Cần đánh giá chính sách cho dân sau sáp nhập xã, huyện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc

Sáng 14-3, tiếp tục phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo bước đầu của đoàn giám sát về việc sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) giai đoạn 2019-2021.

Giảm gần 4.000 cơ quan, tiết kiệm được hơn 2.000 tỉ đồng

Báo cáo trước UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết giai đoạn 2019-2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã, qua đó giảm được tám huyện và 561 xã. Sau sắp xếp, toàn quốc giảm 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện.

Ông Tùng dẫn báo cáo Chính phủ cho hay giai đoạn này ngân sách nhà nước tiết kiệm chi hơn 2.008 tỉ đồng, trong đó giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là hơn 1.132 tỉ đồng; giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỉ đồng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp sáng 14-3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng thông tin việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với người lao động đã được thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, một số địa phương cho rằng số lượng nhân sự dôi dư sau sắp xếp là rất lớn, nhất là các địa phương sắp xếp nhiều ĐVHC nên không thể giải quyết chính sách trong thời gian ngắn.

Cũng theo ông Tùng, việc thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở một số địa phương còn lúng túng. Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có sự nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý hơn đối với số người dôi dư sau khi sắp xếp ĐVHC.

Ngoài ra, người dân phản ánh ở một số địa phương, việc bố trí trụ sở của ĐVHC mới chưa phù hợp; việc xây dựng phương án xử lý, quản lý đối với các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn khó khăn do quy trình, thủ tục nhiều bước, mất thời gian. Một số công trình, trụ sở của ĐVHC cấp xã không còn được sử dụng sau khi sáp nhập cũng đã gây lãng phí, xuống cấp…

Dân xã nghèo nhập vào xã không nghèo thì có còn nghèo không?

Phát biểu tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH nêu vấn đề về hiệu quả và chất lượng sau sáp nhập; việc giải quyết chính sách đối với cán bộ dôi dư và chính sách với chính người dân sau sáp nhập.

Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường cho rằng tâm lý chung là không muốn sáp nhập vì động đến cơ sở vật chất, con người. Ông Cường đề nghị cần đánh giá sau sáp nhập có tốt hay không, hay chỉ giảm được một số đầu mối về con người.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho biết tới tháng 6-2021, ở cấp huyện còn 424 cán bộ, cấp xã còn 3.414 cán bộ và ở thôn, tổ dân phố còn 492 cán bộ không chuyên trách thuộc diện phải sắp xếp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh dẫn chứng dư luận Cao Bằng phản ánh việc sáp nhập các huyện tại tỉnh này còn nhiều vấn đề. “Lãnh đạo thì chắc ổn rồi nhưng cử tri, nhân dân tâm trạng thế nào sau sắp xếp thì cần đánh giá” - ông Thanh nói và đề nghị đoàn giám sát khảo sát tại Cao Bằng.

Ông Thanh cũng nhận định số cán bộ dôi dư là “khá nhiều”, dù các địa phương đã sử dụng nhiều biện pháp như nghỉ hưu trước, luân chuyển, điều động, “bố trí chỗ này, chỗ kia”… Theo chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đây vẫn là khó khăn lớn cho các địa phương sau sáp nhập khi theo quy định, đến hết năm 2024, tiêu chuẩn về biên chế cán bộ của các ĐVHC không được tăng thêm mà còn giảm tiếp hai biên chế. Vì vậy, Chính phủ nên đề xuất chính sách đặc thù cho cán bộ dôi dư.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng chính sách cho cán bộ là vấn đề lớn. “Việc sắp xếp cán bộ dôi dư các địa phương nhìn nhau, chỗ cao chỗ thấp cũng tạo nên tâm lý cán bộ!” - ông Vinh nói và đề nghị các địa phương nên có sự phối hợp, tham chiếu khi đưa ra chính sách.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đặt câu hỏi: “Chính sách cho người dân có bị ảnh hưởng không sau khi sáp nhập?”.

Thừa nhận đây là một vấn đề, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định nêu hàng loạt câu hỏi: “Dân nông thôn nhập vào đô thị thì thành đô thị, chính sách dành cho nông thôn có còn được hưởng nữa hay không? Xã nghèo nhập vào xã không nghèo thì bà con ở xã nghèo trước đây có tiếp tục được hưởng chính sách cho xã nghèo không?...”.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết Chính phủ đang sửa đổi các nghị định để giải quyết chính sách cho cán bộ dôi dư. Đối với chính sách cho người dân, ông Thăng cho biết theo nghị quyết của QH, các chính sách sẽ được tiếp tục thực hiện đến hết 31-12-2021, sau đó sẽ đánh giá thực trạng để có kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách hay không.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định khẳng định tinh thần là chính sách đối với cán bộ và người dân sau sáp nhập “chỉ có tăng lên hoặc ít nhất là bằng, chứ không giảm đi”. “Người nghèo được giữ nguyên chính sách nghèo cho đến thời hạn nhất định. Sau khi đánh giá lại, không đủ tiêu chuẩn xã nghèo nữa thì thôi” - ông Định nói.

Sau sáp nhập, chất lượng đô thị giảm đi

Theo báo cáo bước đầu của đoàn giám sát, đa phần các đô thị sau sáp nhập có sự giảm sút về chất lượng do mật độ dân số thấp, dàn trải trên diện tích rộng hơn, trong khi hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu.

Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định lý giải nếu một phường sáp nhập với một xã thành xã thì không ai muốn sáp nhập nên khuyến khích gọi là phường. Do đó sau khi sáp nhập, chất lượng các đô thị giảm đi. Ông Định sau đó dẫn báo cáo của Bộ Xây dựng đánh giá một số nơi, chất lượng đô thị giảm 50% sau sắp xếp.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng xác nhận chất lượng đô thị sau sáp nhập các ĐVHC giảm đi đáng kể. “Bộ Xây dựng đang có kế hoạch khảo sát toàn bộ 860 đô thị trên cả nước khi nâng cấp lên đạt chuẩn thì tổng kinh phí là bao nhiêu để có tiếng nói đề xuất” - ông Hùng cho hay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm