Chỉ còn 3 loại hình kinh doanh vận tải

Tại hội thảo ngày 2-6 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ GTVT tổ chức, dự luật Giao thông đường bộ (GTĐB, sửa đổi) được đánh giá có nhiều sửa đổi tích cực.

Một trong những nội dung được hội thảo đề cập là “các loại hình kinh doanh vận tải bằng ô tô”.

Ghép các loại hình vận tải cùng bản chất

Khi bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), vừa trình bày xong dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi), ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI bày tỏ sự bất ngờ.

“Chúng tôi không ngờ Bộ GTVT lại tiếp thu và giải trình chi tiết các kiến nghị của VCCI về dự luật này một cách nhanh chóng như vậy” - ông Tuấn nói.

Trong 17 trang kiến nghị của VCCI về dự luật GTĐB sửa đổi lần này, có kiến nghị về các loại hình kinh doanh vận tải khách bằng ô tô. Cụ thể, Luật GTĐB 2008 phân chia kinh doanh vận tải khách thành năm loại hình thì dự luật lần này chỉ còn ba loại hình gồm xe buýt, taxi và xe hợp đồng.

VCCI cho rằng quy định này đã hợp lý hơn nhưng vẫn “cứng” khi chốt ba loại hình như vậy là bất cập. Bởi khi đó sẽ khó tiếp nhận và mở rộng các hình thức kinh doanh vận tải mới, phân loại các dịch vụ vận tải hành khách hiện hành cũng khó khăn và cách phân chia này cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bà Nga trình bày rằng: Trong mỗi loại hình vận tải như vậy lại chia nhỏ ra nhiều loại khác nhau hoặc ghép từ các loại hình vận tải hành khách cùng bản chất trước đây với nhau. Chẳng hạn, xe buýt sẽ có xe buýt nội tỉnh và liên tỉnh; taxi gồm taxi và vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch bằng xe dưới chín chỗ…

Theo bà Nga, những điều này là phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế về vận tải. Mặt khác, dự luật cũng quy định cho phép Chính phủ được bổ sung loại hình kinh doanh vận tải.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi chia kinh doanh vận tải còn ba loại hình gồm xe buýt, taxi và xe hợp đồng. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Gộp chung rồi lại… chẻ ra thì rất phức tạp”

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, lại cho rằng: Dự luật cần nghiên cứu phân chia thêm các loại hình vận tải hành khách. Bởi rõ ràng là thời gian qua, vận tải hành khách có nhiều bất cập trong điều kiện rất phức tạp.

“Càng phức tạp càng phải chia nhỏ quản lý, nếu phức tạp mà đem gộp lại thì lại không đáp ứng nhu cầu quản lý. Chẳng hạn nếu gộp xe buýt liên tỉnh với vận tải đường dài là không phù hợp. Gộp chung rồi sau lại… chẻ ra thì rất phức tạp” - ông Quyền nói.

Sau bài phát biểu của ông Quyền, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ (chủ trì hội thảo) đã lý giải: Luật GTĐB 2008 chia vận tải hành khách thành năm loại hình và có vẻ cũng bất cập, không theo kịp, nguyên nhân là vì cách phân chia ấy không đúng bản chất vấn đề.

“Trong dự luật lần này, chúng tôi quy các loại hình vận tải hành khách theo bản chất. Đó là taxi, xe buýt và xe hợp đồng. Từ đó, chúng tôi sẽ quy định chi tiết cho các loại hình” - ông Thọ nói.

Vẫn theo Thứ trưởng Thọ, dư luận vừa qua có nêu rất nhiều tình trạng xe hợp đồng trá hình. “Cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi nghĩ mãi về vấn đề này. Đưa ra quy định là cực kỳ khó bởi ranh giới các loại hình vận tải hành khách rất khó phân biệt. Khi rõ bản chất rồi thì chúng tôi mới đưa ra quy định chi tiết được” - Thứ trưởng Thọ cho hay.

Không nên kiểm soát đơn vị cung cấp phần mềm

Có lẽ vấn đề “xe hợp đồng trá hình” mà Thứ trưởng Thọ nêu ở trên có liên quan đến ứng dụng kết nối vận tải. Bởi vậy, dự luật đưa ra quy định rằng: Phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải phải đảm bảo chỉ cho phép người lái xe thực hiện nhiều thao tác để nhận chuyến khi xe dừng hoặc khi xe đang chạy thì người lái xe chỉ phải thao tác một nút bấm để nhận chuyến xe.

Ông Phan Bá Mạnh, CEO của An Vui (một nhà cung cấp nền tảng công nghệ cho lĩnh vực vận tải), đề nghị bỏ quy định này khỏi dự luật. Bởi theo ông Mạnh, có lẽ mục đích của quy định này là không cho phép cung cấp dịch vụ phần mềm đặt chỗ. Ý đồ của quy định là muốn kiểm soát xe dù, bến cóc… Trong thời buổi công nghệ thông tin như hiện nay thì làm cho các dịch vụ này khó kiểm soát hơn.

“Có lẽ vì không kiểm soát được xe dù, bến cóc… thì các anh quay sang quản lý đơn vị cung cấp phần mềm” - ông Mạnh thẳng thắn.

Theo ông Mạnh, doanh nghiệp (DN) cung cấp ứng dụng, phần mềm kết nối vận tải hoạt động theo luật đầu tư và các quy định về thông tin - truyền thông. Khi được đặt hàng thì DN sẽ làm phần mềm. Còn về ứng dụng công nghệ thông tin, theo ông Mạnh, không thể kiểm soát bằng các biện pháp hữu hình được.

Vẫn theo ông Mạnh, kiểm soát các vấn đề này cũng hết sức đơn giản, vì đã là hợp đồng điện tử thì một cơ quan như Tổng cục Đường bộ hoàn toàn có thể “đón” được dữ liệu điện tử và kiểm soát tốt các hợp đồng điện tử này.

Nhiều loại hình chưa chắc thuận tiện

Việc giảm kinh doanh vận tải hành khách còn ba loại hình là một bước tiến triển tốt. Nhiều loại hình thì chưa chắc thuận tiện hơn bởi vận tải hành khách vừa là kinh doanh, vừa là phục vụ khách hàng. Khi cung cấp dịch vụ cho các DN vận tải hành khách tôi mới thấy sự bất bình của họ mà nguyên nhân là từ việc luật đặt ra quá nhiều loại hình vận tải hành khách.

Ông PHAN BÁ MẠNHCEO An Vui 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm