Chưa thể “khai tử” hệ tại chức

Chương trình học bị cắt xén, tuyển sinh tràn lan, đánh giá khâu đầu ra quá dễ dãi… là những nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo hệ tại chức kém, các nhà tuyển dụng không công nhận. Thông tin trên vừa được đưa ra tại buổi tọa đàm Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo hình thức vừa học vừa làm trình độ ĐH, CĐ do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 30-8 tại TP Đà Nẵng.

Chất lượng đào tạo kém

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận một thực tế là chất lượng đào tạo hệ tại chức hiện nay đang có vấn đề khiến xã hội bức xúc. Trong một thời gian dài, các cơ sở đào tạo liên kết với nhau, phát triển ồ ạt hệ tại chức để đáp ứng nhu cầu của người dân và các khoản thu của nhà trường. Trong khi công tác tuyển sinh khá dễ dãi, chương trình đào tạo bị cắt xén dẫn đến hiệu quả đào tạo kém chất lượng là điều tất yếu. “Khâu kiểm tra, đánh giá chất lượng sinh viên đầu vào, đầu ra tại các trường thực hiện rất sơ sài, chỉ làm lấy lệ. Chúng ta chạy theo chỉ tiêu tuyển sinh nên ảnh hưởng đến chất lượng, do đó không thể trách các nhà tuyển dụng vì sao không nhận sinh viên tốt nghiệp bằng tại chức” - ông Ga nói.

Theo ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, sở dĩ xã hội không chấp nhận bằng hệ tại chức vì quá nhiều trường đang bỏ ngỏ khâu tuyển sinh, đào tạo để chạy theo lợi nhuận. “Các trường này chỉ chú trọng đến nguồn thu phí từ các khoản do sinh viên đóng mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo. Có trường “đánh bắt xa bờ’, mở lớp đào tạo tràn lan ở nhiều địa phương để tạo nguồn thu” - ông Xê cho hay.

Chưa thể “khai tử” hệ tại chức ảnh 1

Siết chặt đối tượng tuyển sinh đầu vào của hệ tại chức là học sinh tốt nghiệp THPT thi rớt ĐH. Trong ảnh: Thí sinh dự thi kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012. Ảnh: TT

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Ngọc, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Quảng Bình, dẫn chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có tới 35-40 trường ĐH trên cả nước đến mở lớp đào tạo hệ tại chức. “Chất lượng sinh viên tại các điểm trường này rất kém. Hầu hết các em đến học chỉ để lấy bằng cấp còn kiến thức rất hạn chế. Có một lớp tôi dạy, sinh viên còn không biết phép tính 10‑2 cho kết quả âm hay dương” - ông Ngọc nói.

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xóa bỏ hệ tại chức vì nó không còn phù hợp với chương trình đào tạo hiện nay, thay vào đó là một chương trình đào tạo khác. Tuy nhiên, ông Ga khẳng định không thể “khai tử” hệ tại chức vì nó đáp ứng nhu cầu của xã hội. “Sự tồn tại của hệ tại chức là xu thế tất yếu. Nhưng cần phải nâng cao chất lượng của loại hình đào tạo này, đưa lên ngang tầm với hệ chính quy như một số nước tiên tiến khác đã làm” - ông Ga cho hay.

Siết chặt nguồn tuyển sinh

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề xác định nguồn tuyển sinh cho hệ tại chức. “Đối tượng tuyển sinh chủ yếu là những người vừa học vừa làm nhưng phần lớn học viên học tại chức là học sinh THPT thi rớt ĐH nên tìm đến hệ tại chức. Nếu tuyển sinh số học sinh này vào thì không đảm bảo chất lượng. Nên coi trọng và tăng cường tỉ lệ cán bộ đi học hệ tại chức, giảm số lượng người học phổ thông” - ông Ngọc trình bày quan điểm. Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho rằng đối tượng đầu vào nên trả về cho những người vừa học vừa làm để tránh trường hợp học sinh THPT thi rớt ĐH vào học cùng.

Tuy nhiên, nhiều trường lại cho rằng nếu phân khúc đối tượng đầu vào như vậy thì nhiều trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu. Ông Xê dẫn chứng hiện số lượng sinh viên học tại chức tại Trường ĐH Cần Thơ phần lớn là học sinh THPT thi rớt ĐH. Nếu không tuyển số thí sinh này thì trường sẽ không có người học. Bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, phát biểu: “Nguồn tuyển sinh vào hệ tại chức nên mở rộng đầu vào nhưng siết chặt đầu ra. Bộ nên chủ động để các trường tự đưa ra một số tiêu chí, quy định riêng về nguồn tuyển sinh nhằm sàng lọc các loại thí sinh”.

Ông Ga đưa ra phương án nên kiểm soát số thí sinh THPT thi tuyển vào hệ tại chức bằng cách buộc họ phải trải qua kỳ thi ĐH, CĐ như hệ chính quy với một số điểm nhất định. “Nếu thí sinh có số điểm ngang điểm sàn mà không đủ điều kiện đi học tại các trường hệ chính quy thì tuyển thẳng vào hệ tại chức. Trường hợp thấp hơn điểm sàn muốn vào học hệ tại chức thì bắt buộc phải học thêm 1-2 năm văn hóa”.

“Tại chức” khác với “vừa học vừa làm”

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng cần phải phân biệt rõ ràng giữa hệ tại chức và vừa học vừa làm. Theo đó, có quan điểm nói hệ tại chức được hiểu là cán bộ có chức vụ trong cơ quan nhà nước được cử đi học, còn hệ vừa học vừa làm là người đã có công việc đi học thêm. Từ đó các trường xác định rõ đối tượng để tuyển sinh. Đại diện Trường ĐH Thái Nguyên lại nêu đề xuất: “Nên mở ra một chương trình hệ ĐH trù bị dành riêng cho đối tượng là học sinh THPT thi rớt ĐH. Theo đó, các học sinh này phải có số điểm thi thấp hơn điểm sàn chỉ 2-3 điểm, sau đó buộc phải học thêm một năm văn hóa so với hệ chính quy. Còn hệ tại chức thì chỉ dành cho những người vừa học vừa làm”.

Sắp tới sẽ tính đến phương án giảm chỉ tiêu đầu vào của hệ tại chức từ 50% xuống còn 30% (tỉ lệ chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm so với chỉ tiêu chính quy của trường được cấp phép đào tạo). Đối với các trường thực hiện sàng lọc kỹ, siết chặt đầu ra thì cho chỉ tiêu nhiều, trường nào đầu ra đại trà sẽ cắt giảm chỉ tiêu để đảm bảo chất lượng đào tạo. Bộ sẽ xem xét sửa đổi quy chế đào tạo tại chức cho phù hợp với thực tế. Xác định đối tượng học của hệ tại chức là những người có việc làm và những học sinh tốt nghiệp THPT nhưng thi rớt ĐH. Từ đó có phương án siết chặt đầu vào, bảo đảm chất lượng. Bộ sẽ tiến hành kiểm định chất lượng đào tạo tại các trường. Kế hoạch đào tạo có thể mềm dẻo nhưng không được cắt xén. Vấn đề thi cử, đánh giá chất lượng học phải đảm bảo nghiêm túc.

Ông BÙI VĂN GA, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm