Sáng 29-12, Sở GTVT tổ chức thông xe kỹ thuật cầu Rạch Chiếc mới trên đường vành đai Đông (là phân đoạn của tuyến vành đai 2, nằm ở phía đông bờ sông Sài Gòn).
Trong giai đoạn 1, cầu Rạch Chiếc mới dài 540 m, rộng 22 m cho bốn làn xe nằm ở bên trái tim tuyến quy hoạch được duyệt, theo hướng từ cầu Phú Mỹ đi xa lộ Hà Nội. Trong giai đoạn 2 sẽ xây phần cầu tương tự, bốn làn nằm bên phải cầu vừa xây dựng xong.Trong ảnh: Các đại biểu cắt băng thông xe kỹ thuật cầu Rạch Chiếc mới.
Nét đặc biệt của phần cầu chính là ba nhịp vòm ống thép nhồi bê tông giản đơn lần đầu tiên được TP.HCM xây dựng.
Theo ông Vũ Kiến Thiết - Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 (đơn vị chủ đầu tư xây dựng cầu), trước mắt các loại xe từ hướng cảng Cát Lái lên được đi trên đường vành đai Đông qua cầu Rạch Chiếc mới theo đường D1, D2 của Khu công nghệ cao để ra xa Lộ Hà Nội và ngược lại. Ảnh: Sơ đồ lộ trình được đi của các loại xe.
Không đợi ngày cầu Rạch Chiếc mới xây dựng xong, từ nhiều năm trước nhiều nhà đầu tư “đón gió” đã xây lên những bloc nhà, biệt thự vườn nằm gần cầu và dọc vành đai Đông.
Dọc đường D1 và D2 trong Khu công nghệ cao hệ thống hạ tầng ngầm đang được hoàn thiện trong khi nhà xưởng của các nhà đầu tư trong, ngoài nước cũng đua nhau mọc lên.
“Điểm nhấn” chính của Khu công nghệ cao là hệ thống nhà, xưởng của Tập đoàn điện tử Samsung mọc lên vun vút để tận dụng, phát huy tối đa con đường lên - xuống cảng Cát Lái trước mặt tiền vừa thông.
Theo kế hoạch, đoạn vành đai Đông từ nút giao Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc mới dài 5,5 km, được đưa vào sử dụng từ năm 2013 và hiện chỉ là đường song hành hai bên (lõi giữa để trống), mỗi bên mặt đường rộng 7,5 m sẽ được đầu tư khoảng 250 tỉ đồng để mở rộng lên thành 10,5 m cho ba làn xe mỗi chiều. Khi đó sẽ đáp ứng được lượng xe tải nặng tăng cao từ miền Tây, cảng Cát Lái đi - về qua Khu công nghệ cao để ra xa lộ Hà Nội. Ảnh: Cầu Bà Cua nằm trên đoạn 5,5 km cũng sẽ được nâng cấp, mở rộng.
Trước đó, ngày 3-12-2015, TP đã động thổ xây dựng đoạn vành đai Đông từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao cầu vượt Gò Dưa dài 2,7 km, rộng 67 m.
Như vậy, đến nay phân đoạn vành đai Đông còn hai đoạn nhỏ: Đoạn 1 từ cầu Rạch Chiếc mới đến nút giao thông Bình Thái, quận 9 dài 3,82 km; đoạn 2 từ nút giao Bình Thái đến ngã ba Linh Đông (đường Phạm Văn Đồng), quận Thủ Đức dài 2 km; cả hai đoạn này cùng rộng 67 m. Là người đã đeo bám, chỉ đạo, đốc thúc xây dựng vành đai 2 trong nhiều nằm qua, ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TP, có mặt trong sáng 29-12 hy vọng đến trước năm 2020 TP sẽ xây dựng khép kín vành đai 2.
Khi đó, tuyến vành đai 2 bao quanh TP dài hơn 64 km sẽ gồm các tuyến liên hoàn: Quốc lộ 1 (từ cầu vượt Gò Dưa) - đoạn vành đai 2 qua huyện Bình Chánh (từ nút giao quốc lộ 1 - An Lập nối vào đường Nguyễn Văn Linh) - Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ - vành đai Đông (qua quận 2, 9 và Thủ Đức) - nối vào lại quốc lộ 1 ở cầu vượt Gò Dưa.