Chứng khoán thế giới nối tiếp đà giảm

Nối tiếp đợt sóng xả hàng cao nhất trong hơn một tháng diễn ra trong phiên hôm thứ ba, chứng khoán Mỹ lao dốc ngay từ những phút đầu mở cửa với hầu hết các mã cổ phiếu chủ chốt thuộc lĩnh vực tài chính và năng lượng giảm sâu. Thông tin hãng xếp hạng Moody đang xem xét việc giảm xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha càng khiến bầu không khi giao dịch thêm u ám. Bồ Đào Nha đang giữ mức xếp hạng tín dụng Aa2 - mức cao thứ ba kể từ năm 1998.

Lực cầu tham gia bắt đáy mạnh bạo trong nửa cuối phiên buổi chiều nhờ những tín hiệu lạc quan về sức khỏe nền kinh tế, giúp hầu hết các hàn thử biểu trên phố Wall cùng co hẹp biên độ điều chỉnh xuống mức gần thấp nhất trong ngày. Thị trường lao động khu vực tư nhân tiếp tục phục hồi khá trong tuần cuối tháng 4, trong khi đó, chỉ số ISM của phi sản xuất, lĩnh vực đóng góp tới 90% nền kinh tế, củng cố vững chắc mức 54,5 điểm trong tháng 4. Chỉ số Dow Jones Industrial hạ 58,65 điểm, tương ứng 0,5%, thoái lui về 10.868,12 điểm. Hàn thử biểu Standard & Poor 500 chốt phiên tại 1.165,87 điểm, âm 0,7%. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,9%, xuống 2.402,29 điểm.

Chứng khoán châu Âu chìm trong sắc đỏ ngày thứ hai liên tiếp. Chỉ số tổng hợp 18 hàn thử biểu thuộc khu vực Eurozone DJ Stoxx 600 bốc hơi 1%, xuống 250,55 điểm - mức thấp nhất trong hơn 2 tháng. Như vậy, thống kê từ đầu năm 2010, Stoxx 600 đã quay đầu giảm 1,3%. Tất cả các bảng điện tử đóng cửa âm. Chứng khoán Hy Lạp lao dốc 3,9% về mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Các thị trường Pháp và Anh lần lượt đi xuống 1,4% và 1,3%. Chỉ số DAX 30 của Đức giảm 0,8%.

Hôm qua, Thủ tướng Đức - Angela Merkel cho biết, bà đang hối thúc giới chức Đức chấp thuận kế hoạch giải cứu Hy Lạp trước ngày thứ sáu. Thị trường có thể sẽ lạc quan hơn trong những phiên tới. Đức đóng góp tới 28% tiền cho kế hoạch giải cứu Hy Lạp. Một khi Đức chấp thuận kế hoạch này, các nước khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể đưa ra quyết định tương tự.

Giới đầu tư châu Á tiếp tục bán tháo cổ phiếu trong bối cảnh không có nhiều thông tin hỗ trợ, thị trường đầu tàu Nhật Bản tiếp tục đóng cửa nghỉ lễ. Thêm vào đó, tâm lý của đại bộ phận nhà đầu tư vẫn bị đè nặng bởi nỗi sợ hãi "cơn cúm nợ" tại Hy Lạp có thể sớm lây lan sang các quốc gia khác trong khu vực đồng tiền chung euro như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Chốt phiên ở mức điểm giảm cao nhất trong ngày, chỉ số tổng hợp 23 hàn thử biểu khu vực MSCI bốc hơi 1,7% giá trị, xuống 411,04 điểm trên thị trường Hong Kong.

Chứng khoán Đài Loan chịu tác động mạnh nhất từ các đợt bán tháo. Phong vũ biểu Taiwan Taiex Index lao dốc 3% - biên độ điều chỉnh mạnh nhất kể từ đầu năm. Tại Hong Kong, bầu không khí cũng không mấy sáng sủa, hàn thử biểu Hang Seng trượt xuống mức thấp nhất trong 9 tuần, âm 2,1% so với lúc mở cửa. Tại các thị trường gồm Singapore và Australia, lực cầu tham gia bắt đáy các cổ phiếu thuộc nhóm ngành khai mỏ đã giúp cả 2 bảng điện tử Straits Times và S&P ASX 200 cùng co hẹp đà giảm về 1,3%. Chứng khoán Ấn Độ thoái lui 0,2%.

Ở chiều hướng ngược lại, chứng khoán Trung Quốc đại lục sau khi chạm đáy thấp nhất trong hơn 7 tháng đã bật dậy trong phiên giao dịch ngày 5/4. Chỉ số tổng hợp Thượng Hải Shanghai Composite hứng khởi đi lên 0,8% sau khi đã có lúc sụt mạnh tới 2,3% trong nửa đầu phiên buổi sáng.

Phiên này, ngoài Nhật Bản, các thị trường chủ chốt khác như Hàn Quốc và Thái Lan đóng cửa nghỉ lễ.

Theo Nguyễn Hùng ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm