Chiều 2-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Ông Trần Quốc Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, lo ngại còn nhiều Việt Á trong các ngành, lĩnh vực khác. Ảnh: QH |
Quy hoạch treo, treo đến… trơ ra
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng dịch bệnh COVID-19 đã bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp (DN) và người dân. Trong bối cảnh đó, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một giải pháp cơ bản, tối ưu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
Tuy nhiên, theo ĐB tỉnh Cà Mau, ở nơi này, nơi khác, lĩnh vực này, lĩnh vực khác, việc lãng phí còn diễn ra trong một thời gian dài, chưa có giải pháp khắc phục. Dẫn chứng, ông Hận nói quy hoạch treo là câu chuyện “biết rồi, nói mãi” nhưng không nói không được vì đang có sự “lãng phí nghiêm trọng”.
Điều đáng nói, dù biết vậy, bức xúc như vậy, dù được đề cập nhiều đến vậy nhưng năm tháng trôi qua, quy hoạch treo vẫn “trơ gan”, “trơ mình cùng tuế nguyệt” - theo lời ĐB này.
“Trong hàng tỉ tấc đất, chúng ta đã lãng phí bao nhiêu tấc vàng? Và trong khi hàng ngàn hecta đất bỏ hoang, bỏ không, chưa triển khai theo quy hoạch thì có hàng chục ngàn hộ gia đình không có tấc đất để ở, phải ở tạm gầm cầu, ven sông, những nơi không an toàn và luôn tiềm ẩn những rủi ro ngày đêm rình rập” - ông Nguyễn Quốc Hận bức xúc.
ĐB cho rằng các cấp chính quyền cần vào cuộc quyết liệt, có giải pháp khắc phục hữu hiệu để xử lý, thu hồi những dự án không đủ khả năng hoặc cố tình kéo dài... Đồng thời, cần bám sát nhu cầu thực tiễn, nhu cầu xã hội, nguồn lực đáp ứng, khả năng triển khai để có một quy hoạch phù hợp, khoa học, khả thi, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
“Hôm qua họ được tôn vinh nhưng trong chớp mắt, cơn đại dịch đi qua, họ lộ hình là phạm nhân từ những đồng tiền lót tay đầy tinh vi, đầy “mưu hèn, kế bẩn” của Việt Á.”
Lãng phí niềm tin của nhân dân: Nguy hại khôn lường
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng việc sử dụng kit test Việt Á vừa qua đã gây ra sự lãng phí to lớn cho xã hội, làm thất thoát ngân sách và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch.
ĐB tỉnh Tiền Giang nêu dẫn chứng: Tại một số thời điểm, việc bắt buộc xét nghiệm trên diện rộng, buộc dân phải trưng ra giấy chứng nhận âm tính mới được đi lại… đã tiêu tốn nguồn lực rất lớn của Nhà nước, của xã hội, gây áp lực cho người dân và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
Còn ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề cập tới sự thất thoát, lãng phí “tài sản” quý giá, quan trọng hơn tiền bạc, đó là lãng phí niềm tin của nhân dân. “Có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin thì nguy hại khôn lường” - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, đại dịch vừa qua đã lộ ra một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất đến cùng cực. “Họ vô cảm trước nỗi mất mát của đồng bào mình. Họ biến mình thành con thiêu thân lao vào đống lửa đầy tiền. Trong số đó, có cả những người có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ. Chỉ mới đây thôi, chính họ là những người được tôn vinh nhưng trong chớp mắt, cơn đại dịch đi qua, họ lộ hình là phạm nhân từ những đồng tiền lót tay đầy tinh vi, đầy “mưu hèn, kế bẩn” của Việt Á” - ông Tuấn bức xúc.
Từ đó, ĐB tỉnh Trà Vinh cho rằng cần làm rõ hai vấn đề. Thứ nhất, làm rõ Công ty Việt Á là ai, tại sao họ lại có quyền lực chi phối lớn đến như vậy? Thứ hai, có phải quy định của pháp luật còn lỏng lẻo, dễ bị lợi dụng hay quy định pháp luật thiếu tính răn đe nên hàng loạt cán bộ ngành y từ trung ương đến địa phương cùng dính sai phạm giống nhau. “Nếu thực sự như thế, còn bao nhiêu Việt Á đã, đang và sẽ len lỏi, luồn sâu trong các gói thầu của các ngành khác?” - ông Tuấn đặt câu hỏi.•
Muốn tiết kiệm, chống lãng phí thì công chức phải sạch
ĐB Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh là điều kiện không thể thiếu để phát triển đất nước, cũng như trong thực hiện hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Từ đó, ĐB Đồng Ngọc Ba cho rằng Chính phủ cần sớm ban hành các quy định về hướng dẫn vị trí việc làm của công chức, viên chức bảo đảm hợp lý, khoa học; thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tiền lương; tăng cường năng lực và đạo đức công vụ cho đội ngũ công chức...
Đặc biệt, ĐB Ba cho rằng nhà nước pháp quyền kiến tạo phát triển, liêm chính là công cụ hữu hiệu nhất để kiểm soát quyền lực; loại bỏ từ gốc tiêu cực, tham nhũng; loại bỏ những phần tử cơ hội, thực dụng, chạy chức, chạy quyền; loại bỏ những người không đủ năng lực hoặc không dám dấn thân sẽ không dám nhận các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước này.