Sáng sớm 11-3, tại Trạm thu mua mía nguyên liệu (thuộc Công ty CP Mía đường Phan Rang) đặt tại xã Quảng Sơn đã có hàng chục hộ dân trồng mía chờ chực. Ông Trương Văn Thành (thôn Triệu Phong 1) cho biết hộ ông có 6 ha mía đã quá hạn phải thu hoạch mà công ty không phát lệnh chặt mía thì sẽ bị khô, teo tóp dần. Cứ một tuần, trọng lượng giảm 15%-20%, từ 20 tấn chỉ còn 16-17 tấn. Ngoài trọng lượng giảm, chữ đường cũng giảm khiến giá thu mua giảm theo. Tính đến thời điểm này, ông đã lỗ trên 150 triệu đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Ninh (thôn Triệu Phong 1) làm liều chặt mía dồn thành đống để gây áp lực với công ty. Quá bức xúc, một nông dân đã có hành vi không phải với nhân viên công ty. Vụ việc đang được công an xử lý. Một cán bộ xã cho biết một số nông dân muốn kiện công ty ra tòa vì vi phạm các cam kết trong hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đơn cử, trong điều 4, công ty cam kết mua hết sản lượng mía ký hợp đồng, kể cả lượng mía vượt trên diện tích đã ký.
Nông dân Nguyễn Văn Triệu xót xa trước 1 ha mía đã khô thành củi. Ảnh: M.TRÂN
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đồng, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, cho biết công ty thu mua mía cho nông dân còn chậm. Niên vụ 2010-2011, công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 630 hộ dân trong xã, với tổng diện tích 1.380 ha. Lãnh đạo huyện Ninh Sơn và xã Quảng Sơn đã họp với ban giám đốc công ty tìm hướng giải quyết việc thu mua mía cho bà con. Theo đó, đầu tháng 3, công ty nâng công suất nhà máy từ 750 tấn/ngày lên 1.000 tấn/ngày để tăng mức thu mua mía từ 630 tấn/ngày lên 800 tấn/ngày. Tuy nhiên, 10 ngày nay việc thu mua lại chậm hơn trước, chỉ còn 520 tấn/ngày khiến lượng mía tồn ngày càng nhiều.
Sáng 12-3, ông Văn Hữu Thận, Phó Giám đốc nguyên liệu của công ty, cho rằng nguyên nhân chậm thu mua mía nông dân là do sản lượng mía niên vụ này vượt 30%-40% so với niên vụ trước, tiến độ vào mùa trễ và mưa trễ nên mía nhanh khô. Hiện sản lượng thu mua thấp hơn sản lượng thu hoạch, công suất nhà máy đang trong giai đoạn hiệu chỉnh theo hướng tăng. Ông Thận hứa trước mắt sẽ dừng thu mua ở các vùng khác, tập trung thu mua mía xã Quảng Sơn.
Tuy nhiên, theo một cán bộ huyện Ninh Sơn, hướng giải quyết của công ty chỉ là tạm thời vì tập trung thu mua mía vùng này thì mía vùng khác sẽ bị kém chất lượng. Về lâu dài, công ty nên có cơ chế kết hợp hai chiều với hai nhà máy đường Bình Thuận và Cam Ranh (Khánh Hòa) để thu mua mía toàn tỉnh Ninh Thuận và quy hoạch vùng nguyên liệu mía thật chặt chẽ, sát với công suất tiêu thụ.
MINH TRÂN