Chiều 20-6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị số 7 đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 2, nơi có hàng chục hộ dân khiếu nại về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Có 140 cử tri quận 2 đăng ký phát biểu trong số gần 500 người có mặt trong buổi tiếp xúc, tăng gấp ba lần so với cuộc tiếp xúc cách đây gần một tháng rưỡi với Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm. Trong số các ý kiến mong muốn được phát biểu, đa số là khiếu nại về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cử tri nêu ý kiến với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: TÁ LÂM
Mở đầu phần ý kiến cử tri, ông Nguyễn Tiến Thịnh (phường Bình Khánh) đi thẳng vào vấn đề: Khu đô thị mới Thủ Thiêm có quyết định phê duyệt của Thủ tướng từ năm 1996. Từ đó đến nay, qua bốn nhiệm kỳ HĐND, hội trường tiếp xúc cử tri lúc nào cũng nóng. Nhất là kể từ năm 2005.
“Cử tri lên tiếng phản ánh, thậm chí gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng nhưng không nhận được trả lời thỏa đáng. Người dân phát biểu dựa trên các văn bản pháp lý của dự án nhưng cơ quan chức năng lại viện dẫn quanh co, bao biện nên các hội nghị tiếp xúc cử tri càng ngày càng nóng” - ông Thịnh nói.
Chính vì lẽ đó, hôm nay ông Thịnh đề nghị lãnh đạo TP.HCM phải nhìn thẳng vào sự thật. Đồng thời, thúc đẩy cơ quan thẩm quyền công bố kết luận thanh tra về tính pháp lý của khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, công bố rõ quy mô dự án trên bản đồ và thực địa đến đâu cho người dân biết.
“Đây là bức xúc từ xưa đến nay của người dân. Lâu nay người dân đã trích lục đầy đủ và có thể giải trình đầy đủ từng công văn liên quan đến tính pháp lý, quy mô dự án. Người dân sẵn sàng làm việc với lãnh đạo TP để cung cấp hồ sơ và giải trình về quy mô dự án” - ông Thịnh nói.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến cử tri. Ảnh: TÁ LÂM
Ông Thịnh đề nghị cần xem xét lại giá bồi thường, tái định cư. “Chúng tôi đã khiếu nại rất nhiều lần nhưng cơ quan chức năng trả lời không thỏa đáng. Chúng tôi hỏi thì đều căn cứ theo quy định pháp luật nhưng quận 2 và cơ quan chức năng trả lời quanh co” - ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng đề nghị với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cần cho thanh tra toàn diện khu đô thị mới Thủ Thiêm, từ quy hoạch đến bồi thường, tái định cư.
Bà Huỳnh Thị Hồng Loan (phường Bình An) cho biết nhà bà bị cưỡng chế từ năm 2009 nhưng không được mời lên tiếp xúc làm việc trước khi bị giải tỏa, không lập hồ sơ đền bù, không lập hồ sơ bồi thường, không có quyết định cưỡng chế.
“Nhà tôi phải ở ngoài đường ba năm rưỡi, sau đó mới được tạm cư đến hôm nay do đại biểu Quốc hội giải quyết. Con tôi lúc đó mới 5-6 tuổi nhưng vẫn phải ở ngoài đường” - bà Loan bức xúc và cho biết hiện tại gia đình bà đang ở tạm cư rất phức tạp, nhưng khi xin tái định cư thì gia đình bà vẫn được trả lời là không đủ điều kiện tái định cư.
Bà Lê Thị Nga (phường Bình An) bức xúc nói: “Nói về Thủ Thiêm, chúng tôi khổ lắm đồng chí Nguyễn Thiện Nhân ơi! Chúng tôi bây giờ chỉ mong mỏi giải quyết nhanh gọn, chính xác, theo đúng pháp luật để bà con bớt khổ. Chúng tôi mệt mỏi lắm rồi. Sức đâu mà đi kiện mấy chục năm trời, từ lúc còn xanh đến lúc bạc trắng đầu. Tôi chỉ mong mọi việc sáng tỏ về việc thu hồi đất có đúng trình tự hay không”.
Cử tri đưa bản đồ ra để đối chứng. Ảnh: TÁ LÂM
Ông Phạm Thế Vinh (phường Bình Khánh) cho rằng pháp lý quy hoạch là không rõ ràng, đồ án quy hoạch thì thất lạc, gây tranh cãi trong dư luận về ranh quy hoạch.
“Việc TP.HCM mượn 13 bản đồ do ông Nguyễn Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM, vẫn không phải là căn cứ đáng tin cậy vì các bản đồ này không kèm theo bất kỳ văn bản pháp luật nào của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các bản đồ này cũng không được quản lý và lưu trữ tại các cơ quan nhà nước theo quy định” - ông Vinh nói.
Ông Vinh cũng đưa ra các bản đồ và các văn bản kèm theo cùng nhiều tài liệu liên quan đến quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm do ông và nhiều người dân thu thập được, xác định ranh cụ thể của dự án. Ông Vinh đề nghị gửi trực tiếp tới tay Bí thư Nhân để xem xét lại.
Còn ông Nguyễn Tiến Cứu (phường Bình Khánh) thì bày tỏ: "Xin quý ông, quý bà đừng vô cảm với người dân oan Thủ Thiêm nữa". Câu nói này được lặp lại hai lần, trước đó đã có một cử tri cũng trăn trở như vậy.