ĐẠI HỌA Ô NHIỄM TẠI KINH MÔN (HẢI DƯƠNG)

Đình chỉ ngay ba nhà máy “chui”

Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng tải loạt “Đại họa ô nhiễm ở Kinh Môn, Hải Dương”, phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường và nhà máy, xưởng hóa chất hoạt động “chui” tại đây, chiều 23-7, ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, đã có cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

. Thưa ông, sau sự việc hàng trăm hộ dân bao vây nhà máy hóa chất gây ô nhiễm tại xã Duy Tân, UBND tỉnh đã có chỉ đạo xử lý vụ việc trên thế nào?

+ Ông Nguyễn Anh Cương: Quan điểm của tỉnh là xử lý ngay. Tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng như công an, môi trường và UBND huyện Kinh Môn làm rõ sự việc và báo cáo tỉnh trước ngày 25-7, để ngày 30-7 tỉnh sẽ báo cáo Thủ tướng.

Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm. Tỉnh sẽ cương quyết xử lý, không có bao che, không có vùng cấm. Đây là chuyện thôn biết, xã biết, huyện biết, tỉnh biết, Chính phủ biết, không thể lừa dối được!

Hiện sự việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ, trong đó có thể có trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, trách nhiệm quản lý của xã, của huyện... Hôm trước tại cuộc họp xử lý vụ việc, đồng chí chủ tịch UBND tỉnh đã có nói: “Làm nhà máy ở nơi hẻo lánh thật, miền núi thật nhưng nhà máy to như thế, dựng nhà ba tầng cao như thế bảo không nhìn thấy, không biết là không có lý”.

Đình chỉ ngay ba nhà máy “chui” ảnh 1

Ông Hoàng Văn Khang, thôn Trại Xanh (xã Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương), mắc bệnh ung thư đại tràng, phản ánh các nhà máy, xí nghiệp xả khói gây ô nhiễm. Ảnh: TRỌNG PHÚ

. Sau khi có kết quả rà soát, kiểm tra của cơ quan môi trường, tỉnh sẽ xử lý thế nào đối với các nhà máy, công xưởng gây ô nhiễm?

+ Phi công nghiệp thì bất phú, tuy nhiên không phải làm công nghiệp bằng bất cứ giá nào. Cái gì quá ô nhiễm, quá ảnh hưởng thì phải xóa bỏ, không cấp phép mới, còn khắc phục được thì mới cho làm. Hải Dương vốn là tỉnh nông nghiệp, có thời kỳ tỉnh trải thảm đỏ, các DN ồ ạt đổ vào đầu tư các mảng nhưng đến giờ thì tỉnh ưu tiên cho công nghiệp sạch, công nghệ cao. Nếu đúng có sự việc DN vì lợi nhuận, bất chấp tất cả, làm không xin phép, đưa công nghệ đã bị thải hồi, gây ô nhiễm vào… như người dân phản ánh, thì phải kiểm tra, xử lý ngay.

Làm nhà thì có “sạn” nhưng chỉ cho phép trong chừng mực. Tất cả nhà máy cấp phép đều phải có đánh giá tác động môi trường, trừ những dự án không được cấp phép nhưng làm ẩu, làm bừa như Công ty Trường Khánh và một vài dự án khác. Tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT kiểm tra tất cả dự án có phản ánh của người dân, của các cấp về tác động môi trường. Căn cứ vào kết quả đó, tỉnh sẽ chỉ đạo xử lý các sai phạm.

Trước mắt, ba nhà máy chui đã bị đình chỉ hoạt động để kiểm tra làm rõ, riêng Nhà máy proniken của Công ty Trường Khánh đã bị buộc tháo dỡ. Hàng loạt nhà máy trong danh sách có phản ánh gây tác động xấu đến môi trường cũng sẽ bị kiểm tra.

. 10 năm qua, tại xã Duy Tân đã có gần trăm người đã chết hoặc đang mắc bệnh ung thư, tỉnh làm gì trước thực trạng này?

+ Tới đây đoàn thanh kiểm tra liên ngành của tỉnh, trong đó có cơ quan y tế sẽ vào cuộc làm rõ căn nguyên gây bệnh để có giải pháp.

. Xin cảm ơn ông.

Ngày 22-7, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu UBND huyện Kinh Môn báo cáo chi tiết cụ thể về diễn biến tình hình xây dựng và hoạt động của ba nhà máy hóa chất “chui” của Công ty Trường Khánh (xã Duy Tân), Công ty 1369 (xã Phạm Mệnh) và Công ty Sơn Thái (xã Hiệp An) trước ngày 25-7.

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm