Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết trên địa bàn huyện chỉ có bến đò ngang Vàm Xáng hoạt động, các bến khác vẫn phải tạm dừng hoạt động.
Theo ông Sử, bến đò này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đi lại của bà con theo tinh thần Công văn 771 của Sở GTVT TP.
“Sau khi lãnh đạo Sở GTVT kiểm tra thực tế, cũng đã thống nhất chủ trương cho hoạt động nhưng yêu cầu phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng” - ông Sử thông tin thêm.
Ông Huỳnh Văn Thôn, chủ bến đò ngang Vàm Xáng, cho biết khi hay tin được cho hoạt động lại, chủ doanh nghiệp đã kẻ ô để bà con đậu giữ khoảng cách với nhau.
Cạnh đó, bến đò cũng tiến hành đặt treo các pano thông báo về những người được đi đò theo văn bản hướng dẫn của Sở GTVT Cần Thơ để người dân nắm thông tin.
Tại địa điểm đậu chờ đò, ông Thôn cũng cho bố trí dung dịch sát khuẩn để bà con rửa tay trước khi lên đò.
“Nhân viên của bến tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cũng thường xuyên nhắc nhở bà con đeo khẩu trang, rửa tay khi lên đò” - ông Thôn nói.
Ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, thông tin toàn huyện có 36 bến đò ngang, từ Công văn 771 của Sở GTVT TP, địa phương sẽ cấp phép cho bốn bến đò ngang bức xúc nhu cầu đi lại trên địa bàn huyện hoạt động trở lại.
“Khi các bến đò hoạt động trở lại, huyện sẽ tiến hành kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên việc chấp hành công tác phòng dịch để đảm bảo an toàn cho bà con” - ông Út bày tỏ.
Đò ngang hoạt động lại phải đảm bảo công tác phòng dịch Chiều 6-4, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, ký ban hành Công văn số 771 hướng dẫn đối với hoạt động bến khách ngang sông. Theo công văn, các bến khách ngang sông vẫn được phép hoạt động để phục vụ người công vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết và chở bệnh nhân đi cấp cứu. Công văn cũng trả lời kiến nghị của các địa phương xung quanh việc cho phép các bến đò ngang hoạt động lại. Cụ thể, giám đốc Sở thống nhất đề nghị của các địa phương và yêu cầu nếu tiếp tục hoạt động phải có pano tuyên truyền phòng, chống dịch, đồng thời phải quy định rõ đối tượng được phép chở. Cạnh đó, phải kẻ vạch, phân ô trên phương tiện và đường dẫn xuống bến. Hành khách, nhân viên phục vụ bến phải rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, phương tiện phải khử trùng bằng dung dịch sát khuẩn sau khi chuyên chở. |