Doanh nghiệp kêu khổ vì đường độc đạo bị cấm

Nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải tìm đến Pháp Luật TP.HCM kêu cứu vì lệnh cấm phương tiện tải trọng lớn lưu thông qua đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ ngã tư đường Ba Tháng Hai đến Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

Đường độc đạo”  bị cấm

Theo ghi nhận của PV, đường Nguyễn Văn Linh là tuyến đường qua nội ô TP Cần Thơ, khu vực tập trung nhiều chợ, bệnh viện và trường học. Tuyến đường này có mật độ xe lưu thông dày đặc nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào những giờ cao điểm. Đường Nguyễn Văn Linh cũng có thể nói là con đường độc đạo mà các phương tiện tải trọng nặng có thể lưu thông đến Khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc, các quận Ô Môn, Thốt Nốt và các tỉnh lân cận.

Để giải quyết tình trạng kẹt xe trên đoạn đường này (khoảng 1 km), hơn một tháng qua ngành chức năng đã quyết định cấm xe có tải trọng nặng lưu thông qua đây vào những giờ cao điểm. Cụ thể, cấm xe tải trên 10 tấn, xe container lưu thông vào các khung giờ: sáng từ 6 giờ đến 8 giờ, trưa từ 10 giờ 30 đến 13 giờ 30 và chiều từ 16 giờ đến 19 giờ. Thời điểm cấm bắt đầu từ ngày 13-1.

Tuy nhiên, các DN vận tải cho rằng việc cấm xe lưu thông như trên là chưa phù hợp, làm xáo trộn lộ trình, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN vận tải trên địa bàn Cần Thơ và các tỉnh lân cận.

Anh Trịnh Hoàng Sơn, chủ Công ty TNHH MTV Vận tải Lan Sơn, cho biết xe của công ty anh thường xuyên hoạt động trên tuyến quốc lộ (QL) 91B để đi giao hàng ở KCN Trà Nóc và tỉnh An Giang. “Con đường duy nhất để lưu thông qua là đường Nguyễn Văn Linh, nay cấm như thế thì chúng tôi biết đi đường nào. Buổi sáng chỉ chạy được hai tiếng, còn buổi chiều thì 2,5 tiếng, chúng tôi lấy hàng từ Sài Gòn về tới nơi đúng ngay giờ cấm, làm sao giao hàng. Nếu đi buổi tối thì các công ty họ không tăng ca. Trong giai đoạn dịch bệnh này, hàng hóa hạn chế, DN phải gồng gánh nhiều thứ, nay lại gặp chuyện này nữa thì chúng tôi biết sống sao” - anh Sơn phản ánh.

Khu vực cắm biển cấm xe theo giờ tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ (Cần Thơ). Ảnh: HẢI DƯƠNG

Cùng chung quan điểm, nhiều DN vận tải khác cho rằng lệnh cấm này khiến hàng hóa vận chuyển chậm, DN chịu nhiều khoản phí khủng, gây thiệt hại lớn về mặt tài chính. “Cấm giờ như vậy khiến chúng tôi không thể lấy hàng nằm trong KCN Trà Nóc và không thể giao hàng kịp thời. Công ty tôi có nhiều xe container lấy hàng ở KCN Trà Nóc lên Cát Lái để xuất khẩu. Tuy nhiên, khi đi đến đoạn đường này thì gặp ngay giờ cấm, đến khi lên tới cảng thì không kịp chuyến tàu đi và bị rớt container lại. Mỗi container rớt lại phải đóng tiền điện, lưu cảng và tiền phạt của DN phạt trễ hợp đồng, số tiền khoảng 30 triệu đồng. Thiệt hại kinh tế dữ lắm, tình trạng kéo dài thì chỉ có nước phá sản” - ông Trịnh Quốc Hậu, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ vận tải sửa chữa ô tô Phúc Hoàng Nhân, than vãn. 

Mặt khác, các DN vận tải cho rằng do không có bãi bến đậu xe, các tài xế phải đậu xe ở ngoài đường đợi giờ cao điểm qua, mất an toàn giao thông, rất nguy hiểm. Do đó, các DN kiến nghị ngành chức năng dỡ bỏ lệnh cấm trên hoặc chỉ cấm vào hai khung giờ cao điểm là sáng và chiều, mỗi buổi cấm chỉ một tiếng nhằm tạo điều kiện cho đơn vị hoạt động thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung. 

An toàn là trên hết

Trước phản ánh của các DN vận tải, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết việc cấm xe tải trọng nặng lưu thông theo giờ qua tuyến đường Nguyễn Văn Linh đã được nghiên cứu rất kỹ, phù hợp với tình hình thực tế.

Theo ông Dũng, tuyến đường này vào các giờ cao điểm rất hỗn loạn và ùn tắc. Đây là thời điểm tan tầm, học sinh tan học rất đông, các xe tải trọng nặng muốn đi cũng không được và rất nguy hiểm. Thực tế trên đường này đã có nhiều vụ tai nạn giao thông chết người xảy ra. “Việc lắp đặt biển báo, cấm xe tải trọng lớn lưu thông theo khung giờ để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế tai nạn và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh. Căn cứ khung giờ này, các DN cần có phương án sắp xếp thời gian, lộ trình thuận tiện nhất” - giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ thông tin. 

Đối với kiến nghị chỉ cấm hai khung giờ, mỗi buổi một tiếng, ông Lê Tiến Dũng cho biết sẽ ghi nhận và nghiên cứu lại. “Ngành giao thông, công an và các đơn vị liên quan đã nghiên cứu nhiều tháng và qua nhiều cuộc họp mới đi đến thống nhất khung giờ cấm như hiện nay. An toàn tính mạng con người là trên hết, cạnh đó TP luôn tạo điều kiện để DN hoạt động nên chỉ cấm lưu thông theo giờ” - ông Dũng cho biết.

Đề xuất tiếp tục cấm xe ba trục qua cầu Rạch Miễu

Ngày 26-2, ông Cao Văn Phong, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Bến Tre, cho biết Ban ATGT tỉnh Bến Tre và Tiền Giang vừa đề xuất Cục Quản lý đường bộ IV kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục cho cấm xe tải ba trục trở lên qua cầu Rạch Miễu vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Thời gian đề xuất: Hướng Tiền Giang đi Bến Tre cấm lưu thông từ 9 đến 11 giờ và 15-19 giờ; hướng Bến Tre đi Tiền Giang cấm lưu thông từ 15 đến 19 giờ.

Cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền trên tuyến QL 60 nối tỉnh Bến Tre - Tiền Giang được đưa vào sử dụng năm 2009 cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa, giao lưu kinh tế của Bến Tre và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, từ khi cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên nối Bến Tre - Trà Vinh đi vào sử dụng, giao thông trên tuyến QL 60 và cầu Rạch Miễu tăng đột biến. Không chỉ vào các ngày lễ, tết mà cả các ngày cuối tuần cầu Rạch Miễu thường xuyên bị “thất thủ” từ chiều đến khuya.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Tiền Giang, cho biết trước đó, để đảm bảo trật tự ATGT, hạn chế ùn tắc giao thông qua cầu Rạch Miễu trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tạm thời cấm ô tô, xe tải ba trục trở lên qua cầu vào các khung giờ cao điểm. Việc triển khai tổ chức giao thông đã mang lại hiệu quả, tình trạng ùn tắc giao thông trên cầu giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019.

 ĐÔNG HÀ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm