(PLO)- Hiện nay trên thị trường không chỉ có những chiếc bánh trung thu truyền thống mà các nhà sản xuất bánh trung thu còn tạo ra nhiều mẫu bánh độc đáo như hình con thú, hình bông hoa… với nhiều màu sắc phong phú, thu hút nhiều khách hàng.
Bánh trung thu hình thú được chị Phạm Ngọc Thảo Nguyên (32 tuổi – Ngụ quận 10, TP.HCM) được nặn hoàn toàn bằng tay.
Chị Nguyên chia sẻ, để nặn ra một chiếc bánh hình con thú mất tầm 1-3 phút, những con vật đơn giản và quen thuộc thì thời gian nặn nhanh hơn. Một ngày chị Nguyên làm từ 50 - 100 bé thú. Bánh sau khi nặn xong sẽ được nướng trong vòng một giờ đồng hồ.
Bánh hình thú có nhân giống bánh trung thu truyền thống: gồm thập cẩm, đậu xanh, khoai môn, trà xanh... “Vỏ bánh và nhân bánh là hai thứ quan trọng nhất. Nếu nhân không đứng thì con thú sẽ bị xệ xuống, vỏ không đẹp thì khi nướng sẽ sần sùi”, chị Nguyên cho hay.
Mỗi năm đến mùa trăng, chị Nguyên cố gắng nặn thêm hình con giáp tượng trưng của năm đó, đơn cử mùa trăng năm nay chị nặn thêm hình con hổ.
Mẫu bánh trung thu mang màu sắc thiên nhiên được decor bằng nguyên liệu chính là đậu trắng trộn với bơ.
Chị Lâm Ngọc Giàu (32 tuổi - Ngụ quận 12, TP.HCM) tận dụng thế mạnh “đi bay” của mình để decor những chiếc bánh trung thu đầy nghệ thuật. “Công đoạn khó khăn nhất là lấy đậu để đắp lên bánh làm hoa, dụng cụ phải sạch và tỉ mỉ hơn một xíu mới ra cái cánh nét. Mỗi chiếc bánh đều có ý tưởng, màu sắc và bố cục cụ thể”, Chị Giàu chia sẻ.
Theo chị Giàu, mất khoảng 30 phút để decor một chiếc bánh, trung bình mỗi ngày chị decor được 40 chiếc bánh trung thu. Sau khi decor, bánh sẽ được sấy ở nhiệt độ 100 độ C trong vòng 30 phút.
Bánh hoa sen ngàn lớp hay Hà Hoa Tô là món bánh truyền thống trong các buổi trà chiều của người Hàng Châu. Ở Việt Nam vào mùa Trung thu, loại bánh này được khá nhiều người ưa chuộng.
Trong một lần du lịch tại Hàng Châu (Chiết Giang, Trung Quốc), vợ chồng chị Phạm Thị Thanh Phương (41 tuổi - Ngụ quận 10, TP.HCM) có dịp thưởng thức món bánh này nên khi về Việt Nam, chị quyết định tìm hiểu và làm bánh đó ở tiệm mình. Chị Phương đã chuyển đổi cái hồn của vỏ bánh là từ mỡ heo sang dầu thực vật, đồng thời thay đổi kết cấu bánh sao cho vẫn giữ được độ béo và giòn của cánh hoa.
Nói về lý do chọn dừa làm nhân bánh, chị Phương cho biết, vì tại Việt Nam dừa được xem là đặc sản, chị mong muốn đem cái hồn Việt vào công thức bánh hoa của nước bạn để tạo nên một chiếc bánh thuần Việt. Trong nhân dừa có bơ lạt, lòng đỏ đậm màu của trứng gà công nghiệp, đường trắng. Với công thức nhân dừa này sẽ cho ra một đoá nhuỵ sen vàng ươm hoàn hảo.
Chị Phương chia sẻ: “Trời Phật trao cho mình sức mạnh và niềm tin để mình vượt qua những khó khăn thì đối với Phương đó là một ân đức tốt đẹp, cho nên mình muốn tạo một đóa hoa có thể dùng chay được để kính dâng lên Trời - Phật nhằm tạ ơn”.