Để kinh tế tư nhân trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế - Bài cuối

Giải pháp để tạo nên sức mạnh doanh nghiệp tư nhân Việt

(PLO)- Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực tăng trưởng quan trọng nhất, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ VinaCapital, cho biết Việt Nam hiện đã có những doanh nghiệp (DN) tư nhân hàng đầu với thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Sự phát triển của các DN này không chỉ nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới, mà còn tạo ra tác động lan tỏa mạnh mẽ đến DN vừa và nhỏ (SMEs). Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “thách thức với các DN tư nhân vẫn còn lớn và cần những giải pháp mang tính đột phá”.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Brook Taylor (ảnh) xung quanh vấn đề trên.

p10-11 ông Brook Taylor_22-3.jpg

Đầu tàu đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về vai trò của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế Việt Nam và những cơ hội, thách thức khi hội nhập quốc tế?

+ Ông Brook Taylor: DN tư nhân dẫn đầu hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ, nền tảng kỹ thuật số, mô hình kinh doanh mới. Họ năng động tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, giúp Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ Đông Nam Á. Việc hội nhập sâu rộng thông qua các hiệp định FTA như CPTPP, EVFTA mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp DN tư nhân kết nối với FDI, chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất.

Việt Nam hấp dẫn đầu tư nhờ nhân công giá rẻ, vị trí thuận lợi, chính trị ổn định, tạo điều kiện cho DN tư nhân phát triển. Môi trường kinh doanh được cải thiện, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân.

Để kinh tế tư nhân trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế
Chuyển đổi số, AI và tự động hóa giúp doanh nghiệp tư nhân nâng cao hiệu suất, tối ưu hóa vận hành và tăng trưởng bền vững. Ảnh: PV

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn lớn. DN tư nhân gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính, thiếu thông tin về thị trường lớn, cạnh tranh với DN nước ngoài mạnh về vốn, công nghệ, thương hiệu. Nhân lực chưa đồng đều, kỹ năng quản trị, đổi mới còn hạn chế. Ngoài ra, bối cảnh quốc tế bất ổn, suy thoái kinh tế, biến động tỉ giá, rủi ro chuỗi cung ứng tạo áp lực đáng kể lên DN Việt Nam.

. Theo ông, Nhà nước cần có những chính sách gì để hỗ trợ kinh tế tư nhân là đầu tàu, đưa đất nước phát triển?

+ Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành đầu tàu phát triển đất nước, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Có thể kể đến như tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho kinh tế tư nhân phát triển. Điều này sẽ đảm bảo duy trì lòng tin và tăng cường đầu tư, cải thiện hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của các DN tư nhân; đảm bảo khu vực tư nhân được tiếp cận công bằng với các nguồn lực như đất đai, tín dụng và cơ hội tham gia vào các dự án lớn của Nhà nước.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc khối kinh tế tư nhân, hỗ trợ huy động vốn qua thị trường chứng khoán và trái phiếu DN.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần hoàn thiện hạ tầng giao thông, giúp DN giảm chi phí logistics và nâng cao hiệu quả sản xuất; giúp các DN tiếp cận nền tảng số, ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng khả năng cạnh tranh.

Để doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, ưu tiên hàng đầu là đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Quan trọng hơn, Nhà nước đẩy mạnh hỗ trợ các startup công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để DN tư nhân tham gia vào lĩnh vực công nghệ cao.

. Ông có quan điểm ra sao khi DN tư nhân vẫn chưa thể bứt phá mạnh và so với DN nhà nước hay FDI, sự hỗ trợ vẫn chưa mạnh, đặc biệt là các DN SMEs?

+ Thực tế cho thấy khu vực DN tư nhân, đặc biệt là các DN SMEs, vẫn chưa thể bứt phá mạnh mẽ do còn nhiều rào cản về vốn, thị trường, chính sách, công nghệ và môi trường kinh doanh.

SMEs hiện thiếu sự liên kết, khó tạo ra tiếng nói chung để nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Ngoài ra, SMEs không bắt kịp sự phát triển của công nghệ, dẫn đến năng suất lao động không cao, khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường thấp, kể cả thị trường trong và ngoài nước.

Hơn thế nữa, SMEs thiếu thông tin và các mô hình thực hành phát triển bền vững, từ đó không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các tổ chức thế giới trong việc xuất khẩu hàng hóa. Các DN chưa chú trọng đầu tư vào quản trị chuyên nghiệp, tối ưu hóa quy trình kinh doanh và phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao.

Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

. Ông kỳ vọng thế nào khi Việt Nam đã có những DN tư nhân hàng đầu và thương hiệu mạnh trên trường quốc tế? Các DN này sẽ đóng vai trò ra sao trong việc thúc đẩy sự phát triển của SMEs?

+ Việt Nam hiện có nhiều DN tư nhân lớn với thương hiệu mạnh như Vingroup, FPT, Vinamilk… Sự phát triển của họ không chỉ nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới mà còn tạo tác động lan tỏa mạnh mẽ đến SMEs.

Để phát triển hệ sinh thái kinh doanh, đặc biệt là SMEs, các DN lớn cần phát huy vai trò tiên phong, hợp tác với SMEs trong chuỗi cung ứng để nâng cao năng lực sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng và khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, họ có thể hỗ trợ SMEs trong chuyển đổi số, nghiên cứu phát triển.

Nhiều DN lớn cũng có thể đóng vai trò nhà đầu tư cho SMEs tiềm năng, giúp họ mở rộng quy mô và phát triển bền vững. Đây là cách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc.

. Là đơn vị đầu tư mạnh cho nhiều DN tư nhân và thúc đẩy sự thành công của họ, góc nhìn của ông về DN tư nhân Việt Nam có những thế mạnh nào và họ đang chịu những sức ép gì?

+ Nhìn chung, DN tư nhân Việt Nam rất năng động, nhạy bén, có tính sáng tạo và sẵn sàng thích nghi với biến động thị trường. Họ không ngại thử nghiệm mô hình kinh doanh mới, luôn tìm kiếm cơ hội phát triển và tận dụng các lợi thế của thị trường.

Việt Nam có lực lượng lao động trẻ với chi phí hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất và dịch vụ. Ngoài ra, nhiều quỹ đầu tư sẵn sàng hỗ trợ các DN tư nhân, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ có tiềm năng.

Trong 25 năm qua, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,25% mỗi năm, kim ngạch thương mại tăng hai con số. Kinh tế tư nhân đã và đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 51% GDP và hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước.

Đồng thời , kinh tế tư nhân đóng góp 40% vốn đầu tư xã hội, tạo việc làm cho 85% lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% xuất khẩu.

Tại VinaCapital, chúng tôi đầu tư giúp các DN trong nước cải thiện năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động. Không chỉ cung cấp vốn, chúng tôi còn đồng hành trong việc thiết lập hệ thống quản trị minh bạch, kiểm soát tài chính chặt chẽ, tối ưu hóa quy trình và thực hiện các tiêu chuẩn ESG. Đây là những yếu tố cần thiết để nâng cao chất lượng DN, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường vốn quốc tế và thu hút nhà đầu tư lớn.

Chúng tôi cũng có quỹ chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ nhằm thúc đẩy nền kinh tế số, nâng cao tiềm lực công nghệ của Việt Nam. Tuy nhiên, các DN tư nhân, đặc biệt là SMEs, vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi. Thị trường tài chính chưa phát triển đủ mạnh để hỗ trợ họ huy động vốn hiệu quả.

Ngoài ra, DN tư nhân phải cạnh tranh với DN Nhà nước có nhiều lợi thế về nguồn lực, cũng như DN FDI với tiềm lực tài chính mạnh và công nghệ tiên tiến. Nhiều DN chưa có điều kiện đầu tư mạnh vào công nghệ, gây khó khăn trong nâng cao năng suất, tối ưu hóa vận hành và tham gia nền kinh tế số.

. Ông có khuyến nghị gì để các DN tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững?

+ Để DN tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, ưu tiên hàng đầu là đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đầu tư vào công nghệ, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp nâng cao hiệu suất, tối ưu hóa vận hành và tăng khả năng cạnh tranh.

Song song đó, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ cũng quan trọng không kém. DN cần đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, môi trường và lao động để nâng cao uy tín thương hiệu. Bên cạnh đó, hợp tác với DN nước ngoài giúp mở rộng mạng lưới kinh doanh, hội nhập quốc tế.

Các DN cũng cần xác định rủi ro và cơ hội từ yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Việc áp dụng ESG không chỉ giúp DN hoạt động bền vững, tiết kiệm chi phí mà còn thúc đẩy đổi mới và hiệu quả vận hành. Đây là hướng đi chiến lược để DN tư nhân Việt Nam phát triển vững mạnh trong tương lai.

. Xin cảm ơn ông.•

DN tư nhân có đủ lực, chỉ cần được trao cơ hội

DN lớn không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn đóng vai trò dẫn dắt cả nền kinh tế, kéo theo sự phát triển của hàng loạt DN nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng.

Chính phủ cần có cơ chế phù hợp để khối DN này tham gia sâu hơn vào các dự án trọng điểm quốc gia. Một ví dụ điển hình là đầu tư vào hạ tầng giao thông như đường sắt đô thị. Nếu Việt Nam quyết định dùng vốn trong nước thay vì vay ODA, DN nội địa phải được tạo điều kiện tiếp cận cơ hội này, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ nước ngoài.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần chính sách ưu đãi tài chính, tín dụng để DN lớn đầu tư mạnh vào nghiên cứu, công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi họ phát triển, các nhà cung ứng, thầu phụ cũng hưởng lợi, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực.

Thay vì chỉ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, một cách tiếp cận tổng thể hơn sẽ giúp nền kinh tế phát triển bền vững. Khi DN lớn có đủ động lực mở rộng, họ sẽ trở thành bệ phóng cho toàn bộ hệ sinh thái DN Việt Nam.

Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm