Giải quyết gốc rễ thảm kịch vượt biên

Vụ 39 người Việt chết trong xe container ở Anh bị phát hiện hôm 23-10 trở thành tâm điểm của dư luận về tình trạng di cư trái phép. Có nhiều quan điểm về việc giải quyết bất cập nạn vượt biên bất hợp pháp: (i) Thắt chặt chính sách nhập cư nhắm vào người di cư và (ii) chống lại các băng đảng mua bán người, đưa người ra nước ngoài/nhập cư trái phép. Đến nay, đặc biệt nhìn từ vụ 39 người chết ở Anh, hiệu quả thực tiễn, tác động và cách thức tiến hành của những chính sách này vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Siết chặt biên giới là chưa đủ

Có một sự thật đau lòng: Càng siết chặt biên giới thì số người chết vì nhập cư lậu càng tăng. Theo nghiên cứu của PGS Reece Jones thuộc Viện Chính sách nhập cư Mỹ, khi liên minh châu Âu (EU) bắt đầu xây dựng hàng rào biên giới, số người nhập cư thiệt mạng đạt mức kỷ lục 3.771 người năm 2015. Khi EU hoàn thành việc siết chặt an ninh biên giới, số người chết khi nhập cư tính đến tháng 7-2016 đã vượt mức 3.000 người, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Khi an ninh biên giới tăng lên, các tổ chức buôn người và đưa người ra nước ngoài/nhập cư trái phép cũng hướng đến những con đường xa hơn, dài hơn và cũng nguy hiểm hơn. Các trường hợp ở Nghệ An, Hà Tĩnh có người thân sang Anh đang bị mất liên lạc cho thấy khá rõ thực trạng này: Người di cư có thể sang nhiều nước (Trung Quốc, Nga, Malaysia, Pháp, Đức, Rumania, Thổ Nhĩ Kỳ…) trước khi “nhảy container” sang Anh. Chi càng mạnh thì dịch vụ được giới đưa người sang Anh chui giới thiệu càng VIP, tức khả năng thành công cao hơn, ngắn ngày hơn và ít nguy hiểm hơn. Vậy nên có người đi xe tải, container, thuyền và cũng có người đi bộ, vượt rừng hay đầm lầy.

Trước đây các tổ chức buôn lậu thông thường kiêm nhiệm luôn “dịch vụ” vận chuyển người trái phép sang biên giới. Những kẻ buôn thuốc lá lậu Albani và Nigeria sẵn sàng nhận thêm người di cư vào những chuyến đi buôn của chúng như một phần lợi nhuận béo bở kiếm thêm. Tuy nhiên, khi EU bắt đầu các chiến dịch càn quét buôn lậu và áp dụng hình phạt tù cho tội vận chuyển người trái phép qua biên giới, những kẻ cầm đầu từ bỏ việc đi chung với người vượt biên vì lo ngại khả năng bị bắt. Vì vậy, các phương tiện vận chuyển người nhập cư trái phép như xe tải, thuyền đều rất tồi tệ để đảm bảo lợi nhuận cao nhất cho những kẻ đứng đầu. Nhiều người lên thuyền, container và tử nạn.

Bản vẽ tài xế Maurice Robinson (25 tuổi), nghi can vụ 39 người Việt chết ở Anh, tại Tòa án Chelmsford Magistrates ở Anh hôm 28-10. Ảnh: ABC NEWS

Cuộc chiến phức tạp và dai dẳng

Trong bối cảnh các băng đảng buôn người ngày càng phát triển thành các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, việc phối hợp hành động giữa cảnh sát các nước là điều kiện tiên quyết nhưng chưa đủ để tiêu diệt vấn nạn này. Khi một nhóm bị tiêu diệt thì sẽ có nhóm khác sẵn sàng thay thế. Do đó, phải giải quyết vấn đề từ gốc rễ.

Một nghiên cứu đáng chú ý của TS Veronika Bilger (2006) thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về chính sách nhập cư đề xuất cần xem xét hoạt động buôn người, đưa người vượt biên lậu như một “ngành kinh doanh” dịch vụ để có cách đối phó. Trong đó “ngành kinh doanh” này cũng cần các yếu tố đầu vào như nhu cầu, chi phí, rủi ro; và các yếu tố đầu ra như uy tín, danh tiếng và lợi nhuận của “doanh nghiệp”.

Dưới lăng kính này, nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đề xuất phải có chính sách biến tối đa hóa rủi ro và tối thiểu hóa lợi nhuận của các “doanh nghiệp” buôn người, đưa người vượt biên lậu. Theo đó, cần tăng cường hình phạt kinh tế cho tội danh buôn người, đưa người vượt biên trái phép nhắm vào hệ thống chân rết trực tiếp vận chuyển, đồng thời cung cấp cho họ những nghề nghiệp thay thế tốt hơn.

Áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm hạn chế các vấn đề giả mạo hộ chiếu, củng cố các chính sách chống hối lộ. Tăng cường hợp tác điều tra các hoạt động rửa tiền vì rửa tiền là một trong những hoạt động liên quan chính đến nạn buôn người, vượt biên lậu.

Hệ quả là các nhóm buôn người, vượt biên lậu có thể: (a) Từ bỏ và tập trung vào buôn lậu các mặt hàng khác; (b) Tăng giá đầu vào khiến nhu cầu và khả năng di cư giảm.

Ngày nay, số người bị từ chối nhập cảnh ở các con đường chính ngạch (máy bay, tàu hỏa, phà…) vào EU chỉ là 0,3%, theo số liệu từ The Guardian. Việc siết chặt an ninh biên giới khiến nhiều người chọn con đường đi lậu thay vì chính ngạch. 

Tuy nhiên, cũng có một kịch bản tệ hơn: Nhóm buôn người, vượt biên lậu cố gắng vận chuyển nhiều người hơn trong cùng một lần để đảm bảo lợi nhuận hoặc tập trung vào phân khúc giá rẻ, rủi ro cao khiến nhiều người tham gia hơn, bất chấp tỉ lệ người chết tăng cao. Để không bị rơi vào viễn cảnh này, các nhà hoạch định chính sách còn phải phối hợp tìm hiểu và hạn chế nhu cầu di dân của từng quốc gia liên quan vì tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi nước là khác nhau.

Các quốc gia điểm đến có thể: (1) Áp dụng chính sách đánh vào những ngành nghề chủ yếu sử dụng lao động bất hợp pháp; (2) Đưa ra những hình phạt thật nặng cho các doanh nghiệp sử dụng người nhập cư bất hợp pháp. Điều này sẽ triệt tiêu thị trường tiêu thụ của bọn buôn người. Nước Anh sau sự kiện 39 người chết trong xe container đã lập tức siết chặt điều tra các nông trại trồng cần sa bất hợp pháp hoặc các tiệm nail của người Việt, nơi được cho là thị trường chính của người Việt nhập cư bất hợp pháp vào Anh.

Ở các nước khởi nguồn, phải tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ cơ hội nghề nghiệp cho công dân nhằm giảm các trường hợp bị lừa đảo bởi các tổ chức tội phạm. Đưa ra các chương trình đào tạo, nâng cao ý thức, chống tham nhũng cho quan chức chính quyền sở tại, nhất là những người làm việc ở các bộ phận di trú hoặc biên phòng.

Sự phối hợp hành động giữa các quốc gia điểm đến, điểm trung chuyển và quốc gia khởi nguồn là rất quan trọng vì di cư là một quá trình tác động qua lại, đồng thời lộ trình có thể kéo dài qua nhiều nước với các tình tiết phức tạp.

Nghịch lý siết chặt biên giới

Theo thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), lợi nhuận của ngành công nghiệp buôn người có thể đạt mức 10 tỉ USD hằng năm do tính chất siêu lợi nhuận của nó. Hẳn nhiên là lợi nhuận càng cao thì càng thu hút nhiều “nhà cung cấp”. Có thể thấy chính sách đánh thẳng vào các dòng người nhập cư của EU đã tạo ra một nghịch lý: Nhiều tổ chức buôn hoặc đưa người vượt biên lậu hoạt động mạnh hơn, chi phí cao hơn đi cùng với rủi ro cũng gia tăng với những người di cư. 

________________________

(*) Tác giả tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành các vấn đề xuyên biên giới, ĐH Đông Phần Lan

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm