Sáng 13-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn công tác của Thành ủy, UBND TP đi thị sát tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và làm việc với Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) về các dự án metro.
Trực tiếp trao đổi với nhà thầu Nhật
Tại ga Phước Long, ga Ba Son, khu vực ga trung tâm Bến Thành, ông Nhân đã gặp, trao đổi, lắng nghe trực tiếp (bằng tiếng Anh) với đại diện các nhà thầu Nhật Bản.
Ông Ihara - Giám đốc gói thầu CP2, ông Takuzo Sato - Giám đốc dự án liên danh Shimizu-Maeda, đã nêu những khó khăn mà nhà thầu gặp phải. Theo ông Sato, trong quá trình thi công gặp nhiều vật liệu của các công trình ngầm khác để lại, từ đây cũng ảnh hưởng đến quá trình thi công. Còn ông Ihara nêu khó khăn trong việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu vì liên quan đến nhiều sở/ngành.
Bí thư Nhân đã chỉ đạo ngay Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các sở/ngành có ngay các cuộc họp nóng, thường xuyên để giải quyết sớm các vướng mắc, khó khăn mà nhà thầu nêu ra.
Một trong những khó khăn khác mà ông Sato nêu là hiện khối lượng công việc thực hiện của liên danh này đã đạt 80% nhưng tiến độ thanh toán dự án mới chỉ đạt 40%. Việc chậm thanh toán chính là khó khăn lớn nhất mà nhà thầu gặp phải. Ông Nhân cho hay trước khi đi thị sát, ông đã nghe báo cáo về vấn đề này.
“Với những kinh nghiệm đã thi công nhiều dự án, tôi tin rằng ông sẽ vượt qua khó khăn. Xin ông yên tâm thi công metro, còn vấn đề lương thực cho quân sĩ chúng tôi sẽ lo!” - ông Nhân nói vui và chỉ đạo Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nên thường xuyên tổ chức các buổi gặp thân mật các nhà thầu trong và ngoài nước để lắng nghe và gỡ ngay các vướng mắc trong quá trình thi công tuyến metro số 1.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân (giữa) trao đổi, lắng nghe các nhà thầu Nhật Bản ở khu ga trung tâm Bến Thành và ga Phước Long. Ảnh: L.ĐỨC
Tăng tốc sau khi được trao quyền
Trưa 13-3, Bí thư Nhân làm việc với MAUR. Tại đây ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban MAUR, cho hay khó khăn lớn hiện nay đối với tuyến metro số 1 là chưa thanh toán được cho các nhà thầu. Năm 2019, dự án không được Bộ KH&ĐT cấp vốn ODA do đang trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư. Vì vậy, hiện tổng hồ sơ đề nghị thanh toán từ nguồn vốn ODA của các nhà thầu thuộc dự án là 2.158,5 tỉ đồng và MAUR đã đề xuất TP tiếp tục ứng vốn từ ngân sách.
Theo Phó Chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến dự án metro số 1 và số 2, hiện Bộ KH&ĐT đã lấy ý kiến của các bộ/ngành và trình Thủ tướng theo hướng đồng ý giao TP thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư. Theo đó, với tuyến metro số 1, sau khi Chính phủ ủy quyền cho TP phê duyệt, TP sẽ giao Sở GTVT thực hiện thẩm định lại theo đúng quy trình và trình TP phê duyệt, sau đó sẽ giải ngân vốn dự án này. Còn hiện nay, các nguồn thanh toán cho nhà thầu, TP tạm ứng theo từng gói thầu cụ thể. |
Mặt khác, theo ông Cường, việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, do thời gian thực hiện các hợp đồng kéo dài, một số nội dung từ hợp đồng gốc không còn phù hợp, dẫn đến phải ký kết các phụ lục điều chỉnh. Bên cạnh đó, liên quan đến các kết luận của Thanh tra TP và Kiểm toán Nhà nước vừa qua, các công tác tham mưu, khắc phục thiếu sót cũng đang phải khẩn trương để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của hợp đồng.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh dự án metro số 1 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là bước khởi đầu cho hệ thống đường sắt đô thị tại TP.HCM. Do đó, từ dự án này phải đặt ra mục tiêu tổng thể cho tất cả tám tuyến metro tại TP.
Bí thư đề nghị UBND TP, MAUR cần tổ chức đi nghiên cứu việc phát triển hệ thống metro ở nước ngoài cũng như tổ chức tọa đàm về xây dựng, học hỏi kinh nghiệm trong việc đẩy nhanh quá trình thực hiện các dự án này.
Trong việc phê duyệt tổng mức đầu tư, ông Nhân cho biết theo chủ trương, trung ương sẽ phân cấp lại cho TP và vấn đề giải ngân vốn cho dự án, TP đã gửi Chính phủ và Chính phủ cũng ủng hộ. “Do đó chúng ta phải tăng tốc hơn nữa để năm 2020 hoàn thành, chạy thử tuyến metro số 1 này và năm 2021 chính thức đưa vào khai thác thương mại!” - Bí thư Nhân nói.
Tạo quỹ đất cho metro “Metro chỉ giải quyết vấn đề giao thông khi được đầu tư, phát triển thành hệ thống. Mất hơn 12 năm, vào năm 2021 tới đây TP mới có tuyến metro số 1 như vậy có thể phải mất hơn 30 năm nữa thì hệ thống metro hình thành và mới giải quyết được ùn tắc của TP. Do đó, MAUR cần đề ra mục tiêu, trả lời cụ thể bao giờ đưa cả tám tuyến metro đi vào hoạt động!” - Bí thư Nhân nhấn mạnh. Trước ý kiến vốn đầu tư metro quá lớn, vì vậy ngoài tuyến metro số 1, các tuyến còn lại gặp khó khăn trong việc kêu gọi nguồn tài trợ. Bí thư cho rằng MAUR cần thu xếp đặt vấn đề với ngân hàng thế giới về khó khăn trên. Đặc biệt, ông Nhân gợi ý cần phải nghiên cứu việc khai thác quỹ đất dọc theo các tuyến metro. Theo nhiều chuyên gia, nếu khai thác một cách hợp lý thì quỹ đất này sẽ là một trong những nguồn lực dùng đầu tư trở lại cho chính các tuyến metro. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong tháng 4-2019, TP phải “ra đầu bài” việc quy hoạch sử dụng đất dọc các tuyến metro, trong đó cần đề cập quan điểm trong vấn đề này, tiến độ thực hiện cụ thể. |