Thời gian gần đây, nhiều người tìm đến cửa hàng của vợ chồng anh Đinh Thiên Tâm (SN 1982) và chị Nguyễn Diệu Thúy (SN 1980) ở địa chỉ 110E, đường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội để tận mắt ngắm nhìn những vật dụng trang trí, sử dụng được chế tác từ những ve chai bỏ đi nhưng trông rất đẹp mắt.
Căn nhà cũng là nơi “tập kết” hàng nghìn vỏ chai thủy tinh các loại. Anh Tâm cho biết: “Đồ người ta bỏ đi nhưng sau khi tái chế sẽ thành các sản phẩm hữu dụng, được khách hàng đón nhận nhiệt tình”.
Vợ chồng anh Tâm - chị Thúy tốt nghiệp Trường Đại học mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Sau khi ra trường, cả hai làm đồ họa, thực hiện các dự án quảng cáo cho nhiều công ty với mức thu nhập khá.
“Tuy nhiên, tình cờ một lần vợ chồng tôi đi hội chợ bày bán đồ cũ. Về nhà, anh Tâm nảy ra ý tưởng tận dụng những vỏ chai vứt đi để chế tạo thành những đồ gia dụng hữu ích. Ý tưởng đó nhanh chóng cuốn hút khiến cả hai cùng quyết tâm thực hiện”, chị Thúy cho biết.
Được bạn bè bắt mối với nhiều quán bar, nhà hàng tặng miễn phí vỏ chai thủy tinh, chị Thúy liền nhờ mặt bằng không sử dụng của người nhà làm địa điểm tập kết và lấy chính vỏ chai sau khi tái chế làm quà tặng lại các địa chỉ trên.
Để thực hiện ý tưởng tái chế những chiếc vỏ chai phế liệu thành đồ dùng hữu ích, công đoạn đầu tiên là phải cắt, mài. Cũng may trước đó, anh Tâm có niềm đam mê chế tác đá nên chiếc máy mài, cắt đá anh mua về từ lâu được mang ra sử dụng để cắt các loại vỏ chai rượu, sau đó mài nhẵn để trang trí.
Anh chị phải đặt mua màu chuyên dụng cho kính để khi vẽ màu sắc cũng như họa tiết không bị phai và nhòe.
Vốn có năng khiếu hội họa, chị Thúy giúp chồng trang trí cho những chiếc cốc, đồng thời dùng nửa trên của chai để chế thành chụp đèn tặng bạn bè, người thân.
“Lúc đầu, chúng tôi chỉ xác định làm chơi, dùng trong nhà và tặng bạn bè nhưng không ngờ lại được nhiều người thích thú, gợi ý nên làm đồ bán, vừa không tốn vốn mà lại được giá. Thấy ý tưởng kinh doanh từ vỏ chai tái chế cũng hay nên vợ chồng tôi quyết định biến những vỏ chai vứt đi trở thành đồ gia dụng hữu ích”, chị Thúy thích thú nói.
Những họa tiết, đường nét được vẽ trau chuốt, công phu. Theo chị Thúy, để hoàn thành mỗi tác phẩm như thế này, chị phải bỏ ra khoảng 1 - 2 tiếng đồng hồ.
Những món quà hữu ích này được vẽ trang trí theo nhiều phong cách, phù hợp với nội thất của nhà hàng như cốc uống cỡ đại làm từ vỏ chai bia, chụp đèn, đế nến, bình cắm hoa nghệ thuật…
Theo chị Thúy, những vỏ chai vứt đi tưởng như không còn giá trị nhưng dưới bàn tay người thợ, trải qua nhiều công đoạn chế tác lại trở thành những sản phẩm mang tính nghệ thuật, được trưng bày trang trọng trong những công trình kiến trúc đẹp, không gian sang trọng.
Các sản phẩm được bán với giá từ vài ba chục tới vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, chỉ sản phẩm nào thực sự cầu kỳ và cần nhiều công sức, anh chị mới tính đến tiền trăm, còn lại, những vật dụng trang trí đơn giản, chỉ dao động khoảng từ 30 - 80 ngàn đồng.
Sản phẩm này có giá 180 ngàn đồng, được làm rất công phu và tỉ mỉ.
Hiện tại, anh Tâm - chị Thúy chủ yếu làm theo đơn đặt hàng. Có ngày đắt khách, nhiều đơn hàng, anh chị thu về khoảng 2 triệu đồng. Khách hàng của anh chị chủ yếu là người thân, bạn bè, những người quen qua mạng xã hội rồi giới thiệu dần cho người này người khác. Với việc bán đồ này, mỗi tháng, anh chị cũng kiếm được chục triệu đồng.
Từ những vỏ chai thủy tinh vô hồn, qua bàn tay khéo léo của vợ chồng anh Tâm, chúng trở nên lạ lẫm, thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
Anh Tâm cho biết, tham vọng lớn nhất của anh là có thể tìm được đối tác phù hợp để mở doanh nghiệp xã hội, nhận dạy nghề cho trẻ em, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Theo kenh 14