Hà Nội và Bộ VHTTDL mâu thuẫn nhau về phương án đặt ga ngầm C9

Mới đây, Hà Nội đã có văn bản báo cáo Chính phủ khẳng định phương án đặt ga ngầm C9 (thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 của Hà Nội), đưa ra không ảnh hưởng đến di sản Hồ Gươm, tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, Bộ VH-TT&DL lại cho rằng phương án này có tác động xấu đến cảnh quan Hồ Gươm và các di tích quanh khu vực…

Vào tháng 9-2019, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo Chính phủ, trong đó tiếp tục khẳng định phương án đặt ga ngầm C9 (đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vườn hoa ven Hồ Gươm trước cổng Tổng công ty Điện lực Hà Nội) không ảnh hưởng đến cảnh quan, di sản quanh khu vực Hồ Gươm.

Vị trí ga ngầm C9 được thiết kế đặt trước trụ sở Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, gần với di tích đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu.

Cụ thể, theo UBND TP Hà Nội, phương án đặt ga C9 đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn từ bảy phương án khác nhau trên cơ sở đánh giá, so sánh nhiều tiêu chí như: vấn đề bảo đảm an toàn, kỹ thuật; mức độ ảnh hưởng đến dân cư phố cổ, các công trình và cảnh quan khu di tích; chi phí giải phóng mặt bằng, hiệu quả kinh tế, kỹ thuật chạy tàu...

Phương án này cũng đã được đưa ra để tham khảo ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, nhà sử học… và đặc biệt quy hoạch ga ngầm C9 đã nhận được sự đồng thuận của hơn 90,3% người dân khi được đưa ra lấy ý kiến vào tháng 3-2018.

UBND TP Hà Nội cho hay phương án đặt ga ngầm C9 nằm ở vị trí rộng nhất của khu vực bờ Hồ Gươm, khoảng cách gần nhất cách hồ 10 m, cách Tháp Bút 36 m (tuyến hầm cách Tháp Bút 8,2 m, cách gò đá chân Tháp Bút 1 m). Không gây ra ảnh hưởng lún và các tác động khác khi thi công xây dựng. Vận hành khai thác, công trình phụ trợ và các cửa lên xuống được bố trí vào đất của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, tránh phải giải phóng mặt bằng nhà dân. Phương án này được thiết kế kiến trúc hài hòa, không phá vỡ cảnh quan khu vực…

Ngoài ra, phương án này cũng tiết kiệm chi phí vì không phải giải phóng mặt bằng khu dân cư, tối ưu chi phí đầu tư, cũng như phương án thi công xây dựng. Đồng thời, tăng khả năng phục vụ nhu cầu giao thông công cộng của người dân và khách du lịch trong khu vực lõi.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội ngày 3-10, Bộ VH-TT&DL tiếp tục cho rằng phương án đặt ga ngầm C9 như đề xuất của Hà Nội là xâm phạm vào di tích quanh khu vực Hồ Gươm, vi phạm Luật di sản văn hóa.

Cụ thể, Bộ VH-TT&DL cho rằng với phương án thiết kế thân ga cách Tháp Bút 36 m, đường hầm dưới lòng đất chỉ cách di tích này 1 m thì khi thi công sẽ tạo ra các tác động rung chấn ảnh hưởng đến di tích Nghi Môn, Tháp Bút tại đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu gần đó.

Bên cạnh đó việc thi công công trình phải đào đất, sau khi hoàn thành mới trả lại mặt bằng di tích sẽ gây ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu vực. Ngoài ra, bộ này cũng cho hay việc đặt ga ngầm C9 tại vị trí này sẽ gây áp lực nên giao thông khu vực Hồ Gươm, nơi vốn có mật độ giao thông cao.

Theo đó, Bộ VH-TT&DL đề nghị Hà Nội xem xét điều chỉnh lại hướng tuyến, vị trí đặt ga C9 và các công trình phụ trợ để không gây ảnh hưởng bất lợi đối với các di tích, tuân thủ Luật Di sản văn hóa.

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có chiều dài 11,5 km, trong đó có 2,6 km đi trên cao và 8,9 km đi ngầm (ba ga trên cao từ C1 đến C3 và bảy ga ngầm từ C4 đến C10). Hiện tất cả hạng mục tuyến, đề-pô và các ga đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, riêng tổng mặt bằng ga ngầm C9 chưa được phê duyệt, do chưa nhận được sự thống nhất của Bộ VH-TT&DL về nội dung liên quan đến khu vực bảo vệ II của di tích Hồ Gươm theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm