Theo IMF, Tây Ban Nha cần cải tổ thị trường lao động, ngành ngân hàng. Ngoài ra, tổ chức còn cảnh báo nước này cần hạn chế thâm hụt ngân sách công giữa bối cảnh khủng hoảng nợ tại châu Âu ngày một tệ hại. Ngân hàng trung ương BoS cuối tuần qua đã phải bơm khẩn cấp 523 triệu euro (657 triệu USD) để đảm bảo sự tồn tại của Ngân hàng Cajasur trụ sở tại thành phố Cordoba. Theo tạp chí kinh doanh Expansion, để giải quyết được nợ và tài sản xấu tại ngân hàng này, chi phí ít nhất có thể là 3 tỷ euro. Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard and Poor's tuần trước cảnh báo chính quyền thành phố và khu vực trực thuộc Tây Ban Nha đang đương đầu với vấn đề thâm hụt ngân sách ngày một lớn hơn.
![]() |
Các nhà đầu tư Tây Ban Nha biểu tình phản đối ngành ngân hàng tại thủ đô Madrid vào hôm qua. IMF vừa cảnh báo đà phục hồi kinh tế của nước này có thể diễn ra yếu ớt và mong manh. Ảnh AFP |
Thị trường vàng quốc tế điều chỉnh giảm trong sáng nay. Tính đến 9h19 theo giờ Hà Nội, mỗi ounce tương đương 1.189,60 USD, mất 2,70 USD so với mở cửa. Trong tuần trước, vàng giảm giá 4,6% chủ yếu do giới đầu tư bán ra để chốt lãi, cũng như bù đắp các khoản thua lỗ trên các thị trường tài chính khác. Thống kê sau 4 phiên điều chỉnh liền trước, vàng đã giảm tổng cộng gần 80 USD so với mức đỉnh cao mọi thời đại thiết lập tại 1.249,7 đôla một ounce.
Đồng Euro tiếp tục sụt giảm mạnh do lo ngại về vấn đề nợ công tại một số nước châu Âu. Tâm điểm thu hút sự chú ý của thị trường là các tổ chức tín dụng tại Eurozone sau khi Tây Ban Nha buộc phải giải cứu một ngân hàng quy mô nhỏ là CajaSur trước nguy cơ vỡ nợ. Đặc biệt những phỏng đoán của nhà đầu về khả năng các chính phủ khu vực đồng tiền chung euro có phải thực thi các biện pháp thắt lưng buộc bụng để chống thâm hụt ngân sách hay không giữa bối cảnh làn sóng phản đối của người dân đang lên cao. Tỷ lệ hoán đổi giữa euro và đôla co hẹp 1,6%, xuống 1,2349 đôla. So với yen Nhật, mỗi euro đổi được 111,32 yen, giảm so với mức 111,71 yen của tuần trước.
Sáng nay, thị trường vàng đen lại mất mốc 70 USD sau khi nhích lên 70,21 USD vào cuối ngày hôm qua. Tính đến 9h20 sáng nay, mỗi thùng chỉ còn 69,34 USD. Theo một nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu Năng lượng toàn cầu, đà phục hồi kinh tế thế giới đòi hỏi giá nhiên liệu phải thấp hơn 80 USD. Với mức giá trên 80 USD, sẽ chỉ có các nhà sản xuất dầu như OPEC được hưởng lợi.
Hy Lạp không vỡ nợ hoặc tái cơ cấu. Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou bác bỏ hai khả năng trên khi trả lời phỏng vấn trên tờ El Pais của Tây Ban Nha ngày hôm qua. Ông nói: "Hy Lạp không cần phải vỡ nợ hay tái cơ cấu. Chúng tôi không lựa chọn hai khả năng này. Chúng tôi sẽ trả hết các khoản vay đã nhận được". Thủ tướng Papandreou tin tưởng chính phủ của ông có thể đạt được mong muốn trong việc yêu cầu người dân "thắt lưng buộc bụng" đồng thời thuyết phục các thị trường rằng tình hình tài chính công vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Ông Papandreou cũng nhận định chính phủ các nước châu Âu đã phản ứng khá chậm chạp trong việc ngăn chặn đại dịch cúm nợ lây lan sang một số quốc gia thành viên EU.
Kinh tế Thái Lan quý một tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 15 năm bất chấp những bất ổn chính trị, khiến nhiều chuyên gia kinh tế ngạc nhiên. Theo số liệu thống kê từ Văn phòng Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, quy mô nền kinh tế đất nước chùa tháp mở rộng 3,8% trong giai đoạn 3 tháng đầu năm so với quý IV/2009, cao gấp đôi mức trù liệu 1,8% do giới phân tích đưa ra. Nếu so với cùng kỳ 2009, kinh tế Thái Lan tăng trưởng 12%, mức tăng mạnh nhất trong 15 năm. Trước đó, Cơ quan thống kê của Thái Lan chỉ dự báo kinh tế tăng trưởng 4,5% trong quý I. Đà phục hồi ấn tượng của nền kinh tế lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á phần lớn nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế dự đoán kinh tế Thái Lan quý II sẽ tăng trưởng âm. Ông Amphon Kitti-amphon, Chủ tịch Ủy ban phát triển kinh tế và xã hội Thái Lan tính toán rằng, 9 tuần bất ổn chính trị nhiều khả năng đã lấy đi 1,5% tăng trưởng kinh tế Thái Lan.
Theo Nguyễn Hùng ( VNE)