Trước đó, ngày 28-3, 14 học sinh ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) cũng phải nhập viện sau khi ăn bánh tráng trộn bán trước cổng trường.
Không ai phủ nhận loại hình kinh doanh thức ăn đường phố đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người nghèo vì đồng vốn bỏ ra không nhiều. Chính vì vậy, mặc dù Nhà nước đã ban hành quy định xử phạt an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với thức ăn đường phố nhưng từ trước đến nay không một trường hợp hàng rong, hàng đẩy bị phạt hoặc cảnh cáo. Do luôn được thông cảm, làm ngơ nên không ít người bán hàng đẩy, hàng rong chẳng quan tâm đến các điều kiện ATVSTP. Thông tư 30/2012 của Bộ Y tế quy định người bán thức ăn đường phố phải tập huấn kiến thức ATVSTP và khám sức khỏe. Người tham gia tập huấn và khám sức khỏe phải tốn tiền nhưng không ít địa phương miễn phí hoàn toàn, lại còn cấp không găng tay, tạp dề, dụng cụ gắp thức ăn, giỏ rác... Thế nhưng nhiều người bán hàng đẩy, hàng rong cố tình không tập huấn, chẳng khám sức khỏe; không dùng găng tay, chẳng sử dụng đồ gắp... Họ không chấp hành các quy định của Nhà nước về điều kiện ATVSTP tức họ xem thường sức khỏe của người sử dụng thức ăn do chính họ chế biến, kinh doanh.
Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2014 được Bộ Y tế đưa ra với chủ để “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố”. Nhân đây, thiết nghĩ cần phải đưa loại hình kinh doanh thức ăn đường phố vào khuôn khổ, phép tắc. Cần xử phạt người bán hàng đẩy, hàng rong cố tình vi phạm các điều kiện ATVSTP. Nếu cơ quan chức năng mãi nhẹ tay, du di với thức ăn đường phố thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm mãi chực chờ xảy ra.
TRẦN NGỌC