“Chính phủ xác định Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm chính trong các dự án BOT giao thông” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định như vậy khi trả lời báo chí xung quanh các bất cập dự án BOT giao thông trong cuộc họp báo do Bộ GTVT tổ chức, diễn ra chiều 28-9.
Kiểm điểm cá nhân, tổ chức vi phạm
. BáoPháp Luật TP.HCM: Vậy trước những kết luận sai phạm đã được Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành chỉ ra, Bộ GTVT tiến hành chỉ đạo kiểm điểm bao nhiêu tổ chức, cá nhân và hình thức kỷ luật cao nhất là gì?
+ Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT: Hiện nay Bộ GTVT đã có chỉ đạo đến các cơ quan liên quan gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, các đơn vị tư vấn thực hiện dự án về việc kiểm điểm trách nhiệm. Riêng đối với trách nhiệm cá nhân thì chắc chắn là có và chúng tôi đang chỉ đạo kiểm điểm, khi nào có số liệu chúng tôi sẽ thông báo.
. Báo Tuổi Trẻ: Bộ GTVT đang rà soát các dự án BOT theo hướng giảm phí, thời gian thu phí. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tiếp tục xử lý các trạm thu phí “đặt nhầm chỗ”. Vậy Bộ GTVT có giải pháp gì để xóa bỏ trạm thu phí không khi ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp?
+ Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng Ban quản lý các dự án đối tác công tư: Tháng 8 vừa qua, Chính phủ có nghị quyết yêu cầu Bộ GTVT thực hiện rà soát lại các dự án BOT. Theo đó, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, quá trình rà soát các đơn vị phải xem xét cụ thể các bất cập tại từng trạm nên cần một quá trình dài.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, trả lời các ý kiến chất vấn của báo chí. Ảnh: VIẾT LONG
Với sự nỗ lực của ngành, trước mắt chúng tôi đã báo cáo Chính phủ một số vấn đề đối với các dự án BOT. Cụ thể, về vị trí trạm, Bộ GTVT đã rà soát 88 trạm thu phí (Bộ GTVT quản lý 73 trạm). Trong đó, 58 trạm có khoảng cách lớn hơn 70 km, 10 trạm có khoảng cách 60-70 km và 20 trạm khoảng cách nhỏ hơn 60 km…
Về giá đường bộ đã quy định rõ trong Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính, trong đó khung giá tối đa lên đến 50.000 đồng. Như vậy, mức giá hiện nay tại các trạm đều nằm trong khung giá của Bộ Tài chính.
Đối với chi phí giảm sau quyết toán, chúng tôi đang báo cáo Bộ GTVT và đang xử lý theo hướng ưu tiên giảm phí cho người dân khu vực trạm và một số luồng xe theo vị trí trạm. Sau đó sẽ tiếp tục ưu tiên giảm mức phí, tốc độ tăng phí. Các nội dung này Bộ GTVT đều đã báo cáo Chính phủ.
Cách tính phí chưa đầy đủ gây bức xúc
. Báo Pháp Luật TP.HCM: Hiện nay Trạm BOT Cai Lậy đang dừng thu phí và Bộ GTVT đang thực hiện rà soát toàn bộ dự án. Vậy quá trình rà soát đơn vị có tính đến phương án di dời trạm thu phí hoặc mua lại trạm này không?
+ Ông Nguyễn Danh Huy: Trước tiên phải khẳng định vị trí trạm thu phí được đặt trên quốc lộ 1 để thu phí hoàn vốn cho dự án tuyến tránh dài 12 km qua thị xã Cai Lậy và cải tạo mặt đường quốc lộ 1 dài 26 km. Do vậy, trạm thu phí nằm trên khu vực dự án chứ không phải nằm bên ngoài. Còn việc mua trạm không, chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao phải làm BOT? Đó là do ngân sách hạn chế nên kêu gọi đầu tư. Như vậy Nhà nước không đủ tiền để mua lại trạm thu phí.
. Báo Tuổi Trẻ: Trước những bất cập của các dự án BOT thời gian qua, Bộ GTVT có rút ra được những kinh nghiệm gì để chuẩn bị cho việc đầu tư tuyến cao tốc Bắc-Nam sắp tới.
+ Ông Nguyễn Ngọc Đông: Phải thừa nhận một số dự án BOT chưa được đánh giá tác động xã hội, việc lựa chọn nhà đầu tư cũng chưa tốt. Đặc biệt, trên giấy tờ chứng minh năng lực của nhà đầu tư rất tốt nhưng khi thực hiện phải thay giữa chừng vì năng lực kém, hợp đồng chưa bao quát được các vấn đề. Ngoài ra, việc tính mức phí chưa đầy đủ về đơn giá dẫn đến phải điều chỉnh sau này, gây bức xúc cho xã hội.
Tôi cho rằng để giải quyết vấn đề này, phải thay đổi hệ thống văn bản. Phải tổ chức thực hiện và quy trách nhiệm rõ ràng hơn đối với các cá nhân, tập thể khi thực hiện dự án.
Về ý kiến dừng các dự án BOT để bổ sung, sửa đổi, khung pháp lý đầy đủ hơn, vừa qua đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những kiến nghị như vậy và sắp tới đơn vị này sẽ báo cáo Quốc hội.
Chấp thuận giảm mức phí ở 10 trạm Bộ GTVT giao cho Tổng cục Đường bộ thực hiện kế hoạch rà soát 54 dự án BOT. Các dự án được Bộ GTVT chấp thuận giảm mức phí là 10 trạm, còn ba trạm khác đang trình Bộ GTVT xem xét. Tất cả trạm này đều được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đàm phán với nhà đầu tư trên nguyên tắc về vấn đề lưu lượng, thời gian, đặc biệt số liệu quyết toán. Các dự án còn lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư và đến ngày 30-10 sẽ có báo cáo với Bộ GTVT. Ông NguyỄn Văn HuyỆn, Tổng Cục trưởng |