Chân dung 2 người Việt vừa trở thành tỉ phú thế giới

Tạp chí Forbes vừa công bố bảng xếp hạng các tỉ phú thế giới năm 2019. Trong danh sách này có năm tỉ phú USD người Việt Nam (VN).

Đáng chú ý, ngoài ba gương mặt quen thuộc từ VN, trong danh sách tỉ phú USD của Forbes năm nay ghi nhận hai cái tên mới là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan và ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank. Ông Hồ Hùng Anh có khối tài sản 1,7 tỉ USD, còn ông Nguyễn Đăng Quang là 1,3 tỉ USD. Đây được xem là hai vị tỉ phú khá thú vị của VN.

“Trái ngọt ở cuối con đường”

Cụ thể, khác với các tỉ phú USD của VN mỗi người một mảng độc lập nhau thì hai vị tỉ phú mới có quan hệ mật thiết với nhau. Thông tin trên Forbes tiết lộ “ông Quang và ông Anh là hai người bạn, đối tác kinh doanh thân thiết và có mối liên hệ đan xen với nhau”. Hai ông là bạn học bên Nga. Sau khi tích lũy được nguồn lực, trở về VN giai đoạn đầu thập niên 1990, hai ông cùng đầu tư vào Techcombank và sau đó hợp tác xây dựng Masan.

Ông Quang khởi nghiệp từ thập niên 1990, sau nhiều năm học tập tại Nga. Vị tỉ phú này nhìn thấy cơ hội kinh doanh trong thời kỳ Nga trải qua quá trình chuyển dịch kinh tế nên quyết định bán mì gói. Sau đó ông mở rộng sang nước tương, nước mắm, tương ớt... Sau thành công tại Nga, ông quay về VN năm 2001.

Xuất thân từ nhà khoa học nên ông Quang có cách kinh doanh tư duy trên nền tảng con số. Mọi bài toán kinh doanh đều được quy về tính hiệu quả. Ở đâu có thể kiếm ra tiền là ông sử dụng chiến lược mua bán, sáp nhập để thâu tóm công ty tiềm năng.

“Từ bên ngoài nhìn vào, Masan dường như rất phức tạp với quá nhiều lĩnh vực kinh doanh. Nhưng Masan đang xây những mảnh ghép của một bức tranh lớn” - ông Nguyễn Đăng Quang đã phát biểu như vậy tại đại hội cổ đông 2018. Ông cũng nêu triết lý kinh doanh “trái ngọt ở cuối con đường chứ không phải hai bên đường” khi hướng tới lợi ích dài hạn và đặt cơ hội đầu tư lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Đăng Quang (trái) và ông Hồ Hùng Anh, hai tỉ phú mới của thế giới. Ảnh: TL

Trái ngược với cách nghĩ táo bạo của ông Quang, con đường đi của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, thầm lặng hơn. Gia nhập Techcombank khá sớm nhưng dưới hai cái bóng quá lớn của hai vị chủ tịch trước đó là ông Lê Kiến Thành và bà Nguyễn Thị Nga, ông Anh chỉ đảm nhiệm chức phó tổng giám đốc và âm thầm làm việc. Ông chỉ được trao chức chủ tịch HĐQT Techcombank từ năm 2008 sau khi bà Nga rời đi.

Dưới thời ông Anh, Techcombank đã có nhiều thay đổi và từng bước trở thành ngân hàng mạnh trong hệ thống ngân hàng VN. Đẩy mạnh hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN), phân khúc cho vay bất động sản gắn với những dự án lớn… nên doanh thu và lợi nhuận của Techcombank gia tăng theo từng năm. Kết thúc năm tài chính 2018, Techcombank lãi ròng gần 8.500 tỉ đồng. Nợ xấu đã được xử lý khá bài bản và minh bạch, tạo nên động lực phát triển tích cực.

Quan điểm kinh doanh của ông Anh thể hiện rõ trong lá thư gửi cổ đông vào đại hội năm ngoái: “Kết quả trên cho thấy sự đúng đắn khi ngân hàng đã chú trọng vào những phân khúc khách hàng đem lại nhiều hiệu quả hơn và ít rủi ro hơn, cùng với các nỗ lực tối ưu hóa chi phí hoạt động và dự phòng”.

Gợi ra cách tư duy mới

Đánh giá về sự nổi lên của những vị tỉ phú USD mới của VN, TS Trần Đình Thiên cho rằng điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì cho thấy các tập đoàn tư nhân đã đóng vai trò rất lớn cho nền kinh tế VN. Điều này cũng gợi cho chúng ta một cách tư duy mới về sự phát triển của lực lượng DN VN.

Kinh tế tư nhân là động lực hồi sinh nền kinh tế sau khủng hoảng nhưng chúng ta trước đây vẫn chưa ghi nhận đúng mức công lao của khối này. Đến mãi gần đây kinh tế tư nhân mới được nhìn nhận, nghĩa là cũng phải gần 30 năm. Hai năm nay nhờ vào chính sự thay đổi này, kinh tế đã tốt lên, xuất hiện thêm nhiều tỉ phú. Đó là tín hiệu tốt” - ông Thiên nói.

Ông Thiên cũng gợi ý sự nổi lên của các DN, tập đoàn lớn như kể trên cho thấy không chỉ cần hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ mà còn phải tạo điều kiện cho các DN lớn, tạo nên cấu trúc khối. Ở đó, DN lớn là nền tảng, trụ cột cho hàng loạt DN nhỏ “bám” vào, tạo thành một lực lượng DN hùng hậu của VN.

Một số chuyên gia khác cũng nhận định sự xuất hiện của các tỉ phú mới giúp VN hình thành các tập đoàn tư nhân hàng đầu trên thị trường, đủ năng lực cạnh tranh với nước ngoài và đem lại hiệu ứng tác động lan tỏa đến nền kinh tế.

Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng nhiều hơn ông Donald Trump

Trong danh sách tỉ phú thế giới do Forbes vừa vinh danh, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, tiếp tục được công nhận là người giàu nhất VN với tài sản định giá 6,6 tỉ USD, đứng thứ 239 thế giới, tăng 2,3 tỉ USD so với năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc VietJet Air, với 2,3 tỉ USD tài sản định giá, hiện đứng thứ 1.008 thế giới. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, vẫn giữ vị trí người giàu thứ ba VN với tài sản định giá 1,7 tỉ USD, xếp thứ 1.349 thế giới.

Quy mô tài sản của một cá nhân được Forbes đánh giá dựa vào giá trị cổ phiếu cùng nhiều tài sản khác như bất động sản, tác phẩm nghệ thuật, du thuyền... Năm nay Forbes còn đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân dựa vào giá cổ phiếu và tỉ giá hối đoái tính đến ngày 8-2-2019.

Theo danh sách của Forbes, thế giới có 2.153 người có tài sản từ 1 tỉ USD, giảm 55 tỉ phú so với con số 2.208 của năm ngoái. Tổng tài sản của họ hiện là 8.700 tỉ USD, giảm 400 tỉ USD sau một năm.

Với tài sản định giá 3,1 tỉ USD, Tổng thống Mỹ Donald Trump là người giàu thứ 715 thế giới, tăng 51 bậc so với năm 2018.

Việt Nam có hơn 140 người siêu giàu

Theo Báo cáo Thịnh vượng 2019 (Wealth Report) vừa được Knight Frank công bố, VN có 142 người siêu giàu sở hữu từ 30 triệu USD trở lên năm 2018, tăng bảy người so với năm trước đó. Báo cáo cũng ghi nhận VN có 12.327 triệu phú năm 2018, tăng 5% so với năm trước đó.

Một số sở thích chi tiêu của người giàu là rượu, xe cổ, các tác phẩm nghệ thuật...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm