Lái xe khi đã uống rượu bia sẽ bị phạt nặng

Sau một thời gian lấy ý kiến, Bộ GTVT vừa hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 46/2016 (NĐ46) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Trong đó, đáng chú ý ban soạn thảo bổ sung quy định cấm người điều khiển xe máy sử dụng rượu bia. Thời gian áp dụng các quy định này bắt đầu từ ngày 1-1-2020.

Phạt kịch khung khi uống rượu bia lái xe

Tại điểm c khoản 6 Điều 6 dự thảo sửa đổi, bổ sung NĐ46 quy định phạt tiền 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở. Phạt 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg/100 ml máu đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg/lít khí thở đến 0,4 mg/lít khí thở.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung NĐ46 cũng quy định nâng mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở từ 3-4 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung NĐ46 cũng tăng kịch khung đối với người điều khiển ô tô sử dụng rượu bia. Theo đó, người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở bị xử phạt 16-18 triệu đồng tăng lên 30-40 triệu đồng và bị tước bằng lái 24 tháng.

Các hành vi lái ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người thi hành công vụ, điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, không chấp hành yêu cầu kiểm tra chất ma túy của người thi hành công vụ cũng bị phạt tiền 30-40 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thạch thông tin thêm các đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn, phạt lao động công ích, phạt tù… tài xế sử dụng rượu bia tham gia giao thông chưa thể điều chỉnh trong NĐ46. Vì Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ chỉ cho phép tước bằng lái tối đa 24 tháng, xử phạt cá nhân uống rượu bia tối đa 40 triệu đồng. “Nên khi sửa các điều luật trên sẽ nghiên cứu đưa vào” - ông Thạch khẳng định.

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung NĐ46, từ ngày 1-1-2020 người điều khiển xe máy uống rượu bia sẽ bị xử phạt. Ảnh: V.LONG

“Muộn còn hơn không”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), cho biết thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) diễn biến rất phức tạp, đặc biệt nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra do người sử dụng rượu bia...

Theo đó, tại kỳ họp thứ 7 (ngày 14-6), Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020). Trong đó, khoản 6 Điều 5 của luật này quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia.

“Trong quá trình xây dựng pháp luật, ban soạn thảo đã nghiên cứu đưa các quy định vào nghị định với mức chế tài trên nhằm đảm bảo sức răn đe, khả thi để hạn chế TNGT do người sử dụng rượu bia gây ra…” - ông Thạch nói.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) đánh giá việc đưa ra chế tài xử phạt đối với người điều khiển xe máy sử dụng rượu bia là rất kịp thời.

“Tôi nghĩ cứ phải nhất quyết ngay từ đầu đã uống rượu bia là không lái xe. Ai muốn uống rượu bia thì đi xe ôm, taxi hoặc gọi người thân đưa về. Còn nếu say rượu mà chạy xe giữa đường không chỉ bản thân gặp nạn mà còn làm nhiều người đi đường vạ lây, thậm chí mất mạng…” - anh Tuấn nói.

Đồng quan điểm, anh Mai Long (Ba Đình, Hà Nội) cho biết ở nhiều nước trên thế giới đã quy định xử phạt rất nghiêm đối với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe. Ở Việt Nam đến nay mới quy định thì hơi muộn nhưng muộn còn hơn không.

Anh Long cũng cho rằng nên bổ sung vào nghị định việc những người uống rượu bia, sử dụng ma túy… gây TNGT phải tước bằng lái vĩnh viễn, không cho lái xe nữa. “Đồng thời truy cứu trách nhiệm những cá nhân, tổ chức cấp bằng lái cho tài xế bằng hình thức chạy chọt” - anh Long nêu quan điểm.

Mức phạt uống rượu bia lái xe ở một số quốc gia

Tại Anh: Chỉ cần có ý định điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu bia (hơi thở có nồng độ cồn vượt mức cho phép) là đã bị phạt. Mức phạt quy định 3-6 tháng tù và phạt tiền từ 2.500 bảng (khoảng 3.100 USD), tước bằng lái một năm (hoặc ba năm nếu tái phạm).

Tại Mỹ: Khi nồng độ cồn đạt 80 mg/100 ml máu trở lên sẽ bị khép vào hành vi lái xe dưới tác động của chất kích thích. Nếu là lần đầu vi phạm, tài xế phải trả tiền phạt 300-1.000 USD, lần thứ hai sẽ là 5.000 USD trở lên. Bên cạnh đó, tài xế còn đối mặt với việc ngồi tù từ sáu tháng đến ba năm và tịch thu bằng lái.

Tại Hàn Quốc: Nồng độ cồn vượt mức 0,05 mg/lít khí thở, người lái xe sẽ bị quy vào tội hình sự, có thể ngồi tù ba năm và phạt 10 triệu won (khoảng 8.800 USD) và bằng lái sẽ bị thu hồi hoặc đình chỉ tùy thuộc vào mức độ.

Tại Singapore: Nồng độ cồn trên 0,35 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (khoảng 3.600 USD) và đối diện với sáu tháng tù giam.

Không lo bị phạt oan

Đối với lo lắng nhiều đồ uống, thực phẩm có cồn, nếu áp dụng quy định trong dự thảo sửa đổi, bổ sung NĐ46 dễ dẫn đến phạt oan, ông Nguyễn Văn Thạch cho rằng việc phạt oan sẽ không xảy ra. “Vì lực lượng chức năng sẽ đo hai lần sơ cấp và thứ cấp. Nếu sử dụng rượu bia, máy đo nồng độ cồn mới báo, còn nếu chỉ dùng thực phẩm, nước súc miệng có cồn, máy thường không cho ra kết quả bởi lượng cồn rất ít…” - ông Thạch khẳng định và cho rằng quy định tương tự cũng được áp dụng với ô tô từ năm 2008 và đến nay chưa xảy ra chuyện tranh cãi về pháp lý nên người dân không cần lo lắng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm