Sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi TPP vào đầu năm 2017, tất cả 11 nước thành viên còn lại của hiệp định đã nỗ lực đàm phán lại và đạt được thỏa thuận mới với tên gọi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Buổi lễ ký kết lịch sử diễn ra vào ngày 9-3 tại thủ đô Santiago của Chile với sự tham gia của bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nước gồm: Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam.
Quyết định muốn quay lại thỏa thuận được ông Trump đề cập vào ngày 12-4 (giờ địa phương) trong một cuộc gặp với các nghị sĩ và thống đốc của những bang có nền kinh tế địa phương nặng về nông nghiệp.
Quyết định của ông Trump khiến ngay cả nhóm cố vấn kinh tế của ông cũng phải bất ngờ. Trả lời tờ The New York Times, cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết yêu cầu cân nhắc quay lại TPP của ông Trump là khá ngẫu hứng. “Tổng thống không đưa ra một thời hạn nào. Chúng tôi sẽ tập hợp một đội nghiên cứu nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Chuyện này chỉ mới xảy ra có vài tiếng trước” - ông Kudlow trả lời tờ The New York Times vào chiều cùng ngày.
Theo tường thuật của The New York Times, thượng nghị sĩ John Thune, một trong các nhân vật lãnh đạo của đảng Cộng hòa, đã đặt vấn đề quay trở lại TPP trong cuộc gặp ngày 12-4 với ông Trump. Ông Thune cho rằng thỏa thuận này là cách tốt nhất để tăng sức ép lên Trung Quốc (TQ). Tổng thống Trump liền quay sang ông Kudlow và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer yêu cầu nghiên cứu về cách quay trở lại TPP mà hiện nay đã được đổi tên thành CPTPP.
Họp báo ngày 13-4, phó thư ký báo chí Nhà Trắng Lindsay Walters phải chật vật giải thích quyết định của ông Trump. Theo bà, ông Trump đã thực hiện đúng lời hứa rút khỏi TPP “được thỏa thuận bởi chính phủ Obama, vốn bất công với công nhân và nông dân Mỹ”. Bà nhấn mạnh ông Trump đã nhiều lần khẳng định sẽ hoan nghênh một thỏa thuận tốt hơn.