Theo lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tính đến trưa 28-2 đã có thêm ba chuyến bay đưa người lao động Việt Nam làm việc tại Libya hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ngày 3-3 sẽ có thêm khoảng 1.000 người lao động về tới Việt Nam. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết vẫn còn khoảng 4.000 người kẹt lại sâu trong lãnh thổ Libya.
Tiếp tế lương thực
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo giải quyết sơ tán người lao động khỏi Libya chiều 28-2, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân thông tin: Ngay tối 28-2 có ba đoàn công tác hỗn hợp đến Ai Cập, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đoàn công tác tại Ai Cập sẽ mang theo 8 tấn lương thực, thực phẩm để hỗ trợ những người đang bị thiếu ăn, đói khát. Sau khi tới sân bay Cairo (Ai Cập), số hàng này sẽ được chở tới các khu vực biên giới để hỗ trợ cho hàng ngàn người lao động Việt Nam từ Libya sang chờ quá cảnh. Đoàn sẽ rời Ai Cập sau hai giờ, sau khi đưa các công dân Việt Nam đã tập hợp tại đây về nước.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, thông tin: Hiện ở Libya đang có khoảng 500 lao động gặp khó khăn vì bị chủ lao động bỏ rơi, bị cướp lương thực thực phẩm. Đáng lo ngại là những người này không có phương tiện di chuyển khỏi Libya. Ông Trào đề nghị cần phải thuê thêm tàu thủy để đưa số lao động trên sang các nước thứ ba.
Cảnh chen lấn, hỗn loạn tại sân bay. (Ảnh do người lao động trở về từ Libya cung cấp)
Sẽ hỗ trợ thỏa đáng cho người lao động
957 Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tính đến chiều 28-2 đã có 957 người lao động Việt Nam rời Libya về nước. Đến 23 giờ 30 ngày 28-2, có thêm 117 lao động về nước. Theo kế hoạch, đến ngày 2-3 sẽ có tổng cộng 7.484 lao động Việt Nam được đưa ra khỏi Libya. |
Hiện nay, các doanh nghiệp đưa lao động đi cũng đang chờ chỉ đạo của Chính phủ về việc hỗ trợ cho người lao động từ Libya trở về để họ ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Xuân Vui, Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động và thương mại Airserco, cho biết: Theo quy định của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, mỗi lao động phải về nước trước thời hạn do rủi ro không thuộc lỗi của họ được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/lần. Tuy nhiên, ông Vui cho rằng có thể Chính phủ sẽ có phương án hỗ trợ đặc biệt cho các lao động trở về từ Libya.
Theo ông Đoàn Đại Thành, Giám đốc Công ty Sona, những lao động trở về sau thời gian ngắn ở Libya sẽ được công ty trả lại phí dịch vụ. Những lao động đã làm việc được một nửa thời gian sẽ được công ty hỗ trợ 50% số lương của thời gian làm việc còn lại. “Những lao động nào trở về từ Libya có nhu cầu tiếp tục đi xuất khẩu lao động ở thị trường khác sẽ được công ty ưu tiên lựa chọn” - ông Thành nói.
44 lao động kẹt tại Al Bayda đã tới biên giới Ai Cập (PL)- Ngày 28-2, anh Nguyễn Văn Điệp, phụ trách nhóm công nhân gồm 44 người làm việc cho một công ty Tây Ban Nha tại TP Al Bayda (Libya), cho biết: Tối 27-2, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, giao tranh diễn ra ác liệt, cả nhóm theo hướng dẫn của Đại sứ quán Việt Nam tại Libya đã di chuyển trên năm ôtô để rời Libya sang Ai Cập. Theo anh Điệp, hiện cả nhóm đang trú ngụ tại một địa điểm gần biên giới Libya và Ai Cập để chờ một đoàn khác đang di chuyển từ Libya sang. Sau khi nhập chung, toàn bộ số lao động này sẽ lên máy bay về nước. P.ĐIỀN Đoàn công tác qua Ai Cập sẽ nắm tình hình và có thể thuê tàu, thậm chí thuê cả máy bay quân sự đáp xuống thủ đô Tripoli của Libya để đưa người lao động sang Tunisia, Ai Cập. BàNGUYỄN THỊ KIM NGÂN,Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH |
BẢO PHƯỢNG