Ngày 2-7, người phát ngôn tổng thống Nga tuyên bố Nga đánh giá học thuyết quân sự mới của Mỹ đã dựa trên đối đầu và không góp phần cải thiện quan hệ với Nga.
Trước đó, trang web Bộ Quốc phòng Mỹ đưa tin ngày 1-7 (giờ địa phương), Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Martin E. Dempsey đã công bố chiến lược quốc phòng mới.
Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ nêu:
Quan điểm chiến lược: Chiến lược quốc phòng nhận định đối phó với các mối đe dọa truyền thống nhà nước khác với các tác nhân phi nhà nước.
Chiến lược quốc phòng xác định Mỹ cần chuẩn bị với các chiến dịch kéo dài hơn là các xung đột nhanh và căng thẳng.
Quân đội Mỹ phải chuẩn bị đối phó với “các quốc gia xét lại” trong đó có Nga, cũng như các tổ chức cực đoan hung hãn như Nhà nước Hồi giáo và Al Qaeda.
Toàn cầu hóa: Chiến lược quốc phòng nhận xét toàn cầu hóa đã kích thích thương mại và thúc đẩy nhiều nước phát triển, tuy nhiên cũng có thể làm gia tăng căng thẳng xã hội, cạnh tranh tài nguyên và gây bất ổn chính trị. Các tác nhân nhà nước và các mạng xuyên khu vực đã thách thức trật tự và ổn định.
Nga, Iran, CHDCND Triều Tiên: Chiến lược quốc phòng cho rằng Nga có đóng góp một số phương diện an ninh như đấu tranh chống ma túy và chống khủng bố nhưng ý chí của Nga là sử dụng vũ lực để đạt mục đích.
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và tướng Martin E. Dempsey (phải) tại cuộc họp báo ở Lầu Năm góc ngày 1-7. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG MỸ
Nga nhiều lần không tôn trọng chủ quyền các nước láng giềng và hành động quân sự của Nga làm suy yếu an ninh khu vực.
Chương trình hạt nhân của Iran khiến các đồng minh của Mỹ trong khu vực lo ngại. Iran cũng đang bảo trợ cho các tổ chức khủng bố hoạt động ở Syria, Iraq, Yemen và Lebanon.
CHDCND Triều Tiên đang phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa có thể bắn đến Mỹ.
Trung Quốc: Trung Quốc có thể trở thành mối đe dọa với Mỹ trong khi Trung Quốc đang là cường quốc đang nổi. Chiến lược quốc phòng khuyến khích Trung Quốc trở thành đối tác cho an ninh quốc tế.
Dù vậy chiến lược quốc phòng nhận định hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông đang gây lo ngại. Đây là môi trường chiến lược phức tạp.
AFP tóm tắt Mỹ đã xác định bốn quốc gia có thể đe dọa đến các lợi ích về an ninh của Mỹ gồm Nga, Iran, CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc nhưng không có nước nào tìm kiếm xung đột quân sự trực tiếp với Mỹ và các đồng minh của Mỹ.
AFP ngày 2-7 đưa tin qua phân tích ảnh vệ tinh công bố hôm 28-6, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết Trung Quốc đã thi công gần xong đường băng dài 3.000 m trên đá Chữ Thập. Bãi đậu máy bay và đường dẫn nối đường băng đã được xây dựng. Hồ nước đã được san lấp. Cảng với chín cầu tàu đang được thi công, ngoài ra còn có hai sân bay trực thăng, 10 ăng ten liên lạc vệ tinh và một tháp radar. Tại đá Gạc Ma, Trung Quốc đã xây một cảng nhỏ với hai trạm dỡ hàng, hai sân bay lên thẳng và ba ăng ten liên lạc vệ tinh. Ngoài ra còn có một cơ sở quân sự lớn nhiều tầng với hai tháp radar đang xây, sáu tháp quan sát và bốn cơ sở bố trí vũ khí. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ghi nhận hiện thời diện tích đá Chữ Thập đã tăng lên 2,74 km2 và Trung Quốc đã bồi đắp trên bảy đá ngầm với tổng diện tích 12,8 km2. ___________________________________ Các cuộc xung đột tương lai sẽ xảy đến nhanh hơn, kéo dài lâu hơn và xảy ra trên chiến trường đòi hỏi nhiều tính năng công nghệ hơn. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Washington muốn Bắc Kinh dừng xây dựng (các đảo nhân tạo) và dừng quân sự hóa nhưng Trung Quốc không chứng tỏ bất kỳ dấu hiệu cho thấy sẽ thực hiện. Chuyên gia BONNIE GLASER |