Người lao động thắng kiện doanh nghiệp gần 250 triệu đồng

Ngày 28-11, TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) xử sơ thẩm vụ tranh chấp lao động giữa nguyên đơn là Huỳnh Lê Dũng (SN 1966) và bị đơn là Công ty cổ phần Hòa Việt (Công ty Hòa Việt). Sau khi xem xét các tài liệu chứng cứ có trong vụ án, HĐXX quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải bồi thường số tiền hơn 240 triệu đồng.

Bên cạnh đó, bị đơn phải truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nguyên đơn trong thời gian nguyên đơn không được làm việc.

Bị sa thải vì không chấp nhận điều chuyển

Theo đơn khởi kiện, tháng 11-1989, ông Dũng bắt đầu làm việc tại Công ty Hòa Việt theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Công việc là công nhân vận hành lò hơi.

Ông Huỳnh Lê Dũng tại tòa ngày 28-11. Ảnh: MV

Ngày 16-3-2018, Công ty Hòa Việt ra quyết định điều chuyển ông Dũng đến làm việc tại tổ cây xanh thuộc Phòng tổ chức hành chính. Tuy nhiên, ông Dũng đã từ chối vì nhận thấy trong quyết định không nêu rõ thời hạn điều chuyển.

Ngày 23-4-2018, Công ty Hòa Việt ra thông báo nhắc nhở ông về việc vi phạm nội quy lao động đối với việc không chấp hành quyết định của công ty. Theo thông báo, trong thời hạn ba ngày, nếu ông không chấp hành thì sẽ xử lý kỷ luật. Sau đó, công ty tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động đối với ông Dũng.

Đến ngày 27-6-2018, công ty ra quyết định kỷ luật với hình thức là sa thải với lý do ông Dũng không chấp hành theo sự điều động phân công công việc của công ty mà không có lý do chính đáng.

Không đồng ý, ông Dũng đã làm đơn gửi đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai. Ngày 30-7-2018, sở này có văn bản kết luận Công ty Hòa Việt điều chuyển ông Dũng sang làm công việc khác so với hợp đồng là không đúng quy định. Đồng thời, việc xử lý kỷ luật đối với ông Dũng là không đúng quy định. Do đó, ông Dũng đã khởi kiện Công ty Hòa Việt.

Bị đơn khẳng định sa thải là đúng

Phía bị đơn trình bày đầu năm 2018, trong thời gian thiếu nguyên liệu sản xuất, công ty cho công nhân nghỉ việc hưởng mức lương tối thiểu vùng. Tháng 2-2018, tổ cây xanh thuộc Phòng hành chính thiếu người nên đã đề xuất với ban giám đốc điều động ông Dũng tạm thời làm việc tại đây, khi có nguyên liệu sẽ điều chuyển trở lại.

Trước khi ra quyết định điều động, công ty đã có văn bản gửi ban chấp hành Công đoàn cho ý kiến với đề xuất này và đã được đồng ý. Sau đó, ngày 6-4-2018, Công ty Hòa Việt đã làm việc giải thích cho ông Dũng hiểu rõ lý do, thời hạn điều chuyển. Sau buổi làm việc, ông Dũng đã không đi làm.

Sau đó, Công ty Hòa Việt đã ban hành thông báo gửi ông Dũng nêu rõ nếu không đến công ty làm việc thì sẽ xử lý thuộc trường hợp tự ý bỏ việc mà không có lý do.

Ngày 11-6, Công ty Hòa Việt đã tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật vi phạm sa thải đối với ông Dũng về hành vi tự ý bỏ việc. Kết quả cuộc họp, 100% đại biểu tham dự biểu quyết thông qua hành vi tự ý bỏ việc. Ông Dũng không chấp hành sự điều động, phân công mà không có lý do chính đáng. Mặc dù công ty đã nhiều lần gặp gỡ trao đổi, giải thích nhưng vẫn không chấp hành. Do đó, việc xử lý vi phạm sa thải là đúng quy định pháp luật.

Nguyên đơn từng thắng kiện bị đơn 13,4 triệu đồng

Ngày 12-11, TAND tỉnh Đồng Nai xử vụ tranh chấp tiền lương ngừng việc giữa nguyên đơn là ông Huỳnh Lê Dũng (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) và bị đơn là Công ty cổ phần Hòa Việt.

Theo yêu cầu khởi kiện, nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả tiền lương còn thiếu là có cơ sở, dựa trên quy định của luật lao động, quy chế dân chủ và doanh nghiệp, quyết định giải quyết khiếu nại… vì giữa hai bên có ký hợp đồng lao động thể hiện lương tháng là 6.825.000 đồng, còn trả theo quy chế là những khoản bổ sung khác. Nguyên đơn cũng khẳng định những khoản bổ sung khác là ma chay, hiếu hỉ, còn tiền lương thì đã ghi trong hợp đồng.

Bị đơn cho rằng công ty đã căn cứ vào Nghị định 49/2013 hướng dẫn thi hành luật lao động xây dựng quy chế làm cơ sở để trả lương cho người lao động. Quy chế này cũng đã gửi đến Phòng LĐ-TB&XH và công ty cũng nhận được văn bản phản hồi về việc thực hiện quy chế này.

VKS nhận định Công ty Hòa Việt, việc thu hẹp quy hoạch, quy mô sản xuất kinh doanh của công ty là có thật. Do khó khăn về kinh tế, công ty cho ông Dũng ngừng việc. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2012, nếu ngừng việc vì lý do kinh tế, người sử dụng lao động phải thỏa thuận tiền lương với người lao động. Công ty Hòa Việt không thỏa thuận tiền lương ngừng việc với ông Dũng là không đúng quy định pháp luật. Vì vậy, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo, buộc công ty này phải trả cho nguyên đơn 12,1 triệu đồng.

Cuối cùng, HĐXX nhận định việc công ty ban hành thỏa ước và quy chế lao động là đúng quy định của pháp luật. Khi cho người lao động ngừng việc, người sử dụng lao động phải thỏa thuận về tiền lương ngừng việc. Vì vậy, HĐXX chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, tuyên buộc bị đơn phải trả cho ông Dũng số tiền lương còn thiếu là 13,4 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm