VKSND Tối cao giải đáp về ghi âm, ghi hình khi tiếp công dân

Ngày 22-3-2021, VKSND Tối cao ban hành Công văn số 1066/VKSTC-V12 giải đáp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Qua thực tiễn công tác tiếp công dân, VKSND Tối cao đã hệ thống, nghiên cứu và giải đáp cụ thể nhiều vấn đề.

Hình minh họa

Về trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo là người không biết chữ và bị khiếm khuyết về thính giác thì phải giải quyết như thế nào? Có được từ chối tiếp không?

Theo VKSND Tối cao, khoản 1 Điều 22 BLDS 2015 quy định khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Vì vậy, một người bị khiếm thính và không biết chữ không đương nhiên bị coi là mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi nếu không có quyết định của tòa án tuyên bố người này bị mất năng lực hành vi dân sự.

Do vậy, trường hợp người khiếu nại, tố cáo bị khiếm thính và không biết chữ (không thể tự viết đơn) nếu không có quyết định của tòa án tuyên bố người này bị mất năng lực hành vi dân sự, thì không được từ chối, mà phải tiếp công dân theo quy định trong từng lĩnh vực cụ thể.

Ví dụ như tiếp công dân trong tố tụng hình sự (thực hiện theo khoản 3 Điều 6 và điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC- BCA-BQP-BTC-BNN&PTNN ngày 05/9/2018) phải có sự có mặt của người chứng kiến, biên bản phải có điểm chỉ của họ và chữ ký của người chứng kiến.

Về trường hợp Luật Tiếp công dân năm 2013 và Quy chế số 51 (quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp) chưa quy định cụ thể về trường hợp quay phim, chụp ảnh, ghi âm trong công tác tiếp công dân và chế tài xử lý việc công dân cố tình quay phim, chụp ảnh, ghi âm?

VKSND Tối cao cho rằng hiện nay pháp luật chưa quy định về việc ghi âm, ghi hình trong công tác tiếp công dân. Do đó khi công dân đề nghị được ghi âm, ghi hình hoặc tự ý ghi âm, ghi hình thì cán bộ tiếp công dân cần thực hiện linh hoạt, phù hợp thực tế.

Cán bộ tiếp công dân có thể tham khảo kinh nghiệm xử lý như sau:

+ Trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có đề nghị được ghi âm, ghi hình bằng thiết bị của cá nhân họ hoặc họ tự ghi âm ghi hình trong quá trình tiếp dân thì người tiếp công dân yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nêu rõ mục đích của việc ghi âm, ghi hình. Đồng thời giải thích đơn vị tiếp công dân đã có thiết bị ghi âm, ghi hình và việc sử dụng hình ảnh, âm thanh từ việc ghi âm, ghi hình không đúng pháp luật có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nội dung giải thích và mục đích của việc ghi âm, ghi hình phải được ghi vào biên bản tiếp công dân.

+ Trường hợp tại nơi tiếp công dân đã gắn thiết bị ghi âm, ghi hình tự động thì người tiếp công dân kiểm tra thiết bị trước khi thực hiện việc tiếp công dân. Trường hợp tại nơi tiếp công dân không gắn thiết bị ghi âm, ghi hình tự động thì khi xét thấy cần thiết phải ghi âm, ghi hình việc tiếp công dân, người tiếp công dân báo cáo, đề nghị lãnh đạo đơn vị cử cán bộ hỗ trợ việc ghi âm, ghi hình trước khi thực hiện việc tiếp công dân.

Sản phẩm của ghi âm, ghi hình (băng, đĩa, file) phải được bảo quản, lưu trữ để phục vụ công tác khai thác, sử dụng khi cần thiết; không cung cấp sản phẩm ghi âm, ghi hình của đơn vị tiếp công dân cho công dân.

Gây rối sẽ bị xử lý

Về việc chưa có chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Ví dụ một số trường hợp người nộp đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gây mất trật tự trong buổi tiếp công dân nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể nào xử lý.

VKSND Tối cao giải đáp như sau: Đối với những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiếp công dân, tùy từng trường hợp cụ thể pháp luật đã quy định các hình thức xử lý. Tuy vậy, để đảm bảo thủ tục thì cán bộ tiếp công dân phải thực hiện đầy đủ theo quy trình tiếp công dân trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Trường hợp công dân gây rối trật tự tại nơi tiếp công dân, người tiếp công dân phối hợp với bảo vệ nơi tiếp công dân, Cảnh sát bảo vệ hoặc công an xã, phường thị trấn tại nơi tiếp công dân lập biên bản ghi nhận sự việc.

Đồng thời, gửi báo cáo Viện trưởng cấp mình để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về trật tự công cộng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự...) hoặc khởi tố hình sự nếu hành vi gây rối, chống đối của người đó cấu thành tội phạm.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm