Trong khuôn khổ ngày Điện ảnh Việt Nam, ngày 12-3, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức hội thảo Điện ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống tại TP.HCM. Bên lề hội thảo, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: Người nghệ sĩ phải hiểu, rung động, thấm với mảng đề tài phản ánh mới có thể làm phim gây xúc động cho khán giả.
Làm phim cho người mua vé
Phóng viên: Ông có nhận xét gì về tính phản ánh hiện thực cuộc sống của các phim tham gia giải thưởng Cánh diều và các phim điện ảnh được chiếu gần đây?
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Các phim tham gia giải lần này đa dạng, nhiều loại đề tài, sát với hiện thực cuộc sống trong giai đoạn này. Còn các phim được công chiếu gần đây, đặc biệt là phim chiếu tết thì hầu hết là phim giải trí. Người ta nói phim được đông đảo người xem, doanh thu cao, phim có hiệu quả xã hội. Tôi thấy chữ hiệu quả xã hội nên đặt trong dấu “ “ vì phần lớn khán giả là thanh niên khá giả ở thành phố, chứ các em ở nông thôn không được xem. Phim phục vụ cho thành phần này xem mà bảo là có “hiệu quả xã hội” thì chưa chính xác lắm.
. Một bộ phim phản ánh được hiện thực xã hội có liên quan gì tới việc nó có tác dụng xã hội, thưa đạo diễn?
+ Hiện thực xã hội thì mênh mông lắm. Nhiều phim đông khách cũng phản ánh một mảng của hiện thực xã hội. Ví dụ các tác giả, đạo diễn sống, tiếp xúc loanh quanh với giới nhà giàu thì làm nên những bộ phim phục vụ cho người giàu, tác động tới người giàu. Người giàu mua vé xem phim, nuôi dưỡng lại dòng phim của các tác giả đó. Còn hiện thực của đất nước thì phải là một hiện thực khác, nó không chỉ là thế giới của quán bar, phòng trà, xe hơi, nhà lầu…
Đạo diễn Đặng Nhật Minh gặp lại nữ diễn viên Hà Xuyên đóng vai nhà báo trong phim Cô gái trên sông (giải Bông sen bạc Liên hoan phim VN lần thứ 8) của ông. Ảnh: TRÀ GIANG
. Đạo diễn có thể lý giải tại sao có nhiều bộ phim chỉ phản ánh loanh quanh một mảng đề tài nhỏ bé là giới nhà giàu với biệt thự, xe hơi, thưa đạo diễn?
+ Vì mục đích của nhà làm phim là ngắm tới người bỏ tiền mua vé - những người giàu, mà người giàu thì không muốn xem những phim nào nghèo khổ, buồn đau, nông thôn, miền xa xôi… vì nó không gần với họ. Để có tiền tái sản xuất, phần lớn nhà sản xuất phải làm phim phục vụ đối tượng mua vé, chiều theo họ.
Trải nghiệm đời sống để làm phim
. Một số phim của ông: Tháng 5 những gương mặt, Bao giờ cho đến tháng 10 đều có một phần câu chuyện của chính ông trong đó. Phải chăng chính người làm phim phải trải nghiệm thực tế mới có thể làm phim?
+ Cách mà tôi phản ánh hiện thực là phải sống với hiện thực, để hiện thực đó ngấm vào mình. Chính tôi phải trải qua những cảm xúc đó rồi mới bật ra lại thành một hiện thực thứ hai trên phim. Do những gì trong phim đã được chính đạo diễn cảm nhận, rung động thì khi chuyển tải đến khán giả, khán giả cũng sẽ thấy xúc động.
. Nếu phải trải nghiệm, lắng đọng những kinh nghiệm sống để lấy tư liệu làm phim sẽ rất mất thời gian, phải chăng do vậy mà đến giờ ông vẫn có rất ít phim, dù phần lớn phim đều đoạt giải thưởng?
+ Đúng như vậy, tôi sống chiêm nghiệm, xúc cảm với cuộc sống rồi bật ra thành nhu cầu viết. Lúc đầu tôi chỉ viết ra kịch bản cho mình rồi khi nào thích thì làm phim. Tôi thấy chính tôi phải có vốn hiện thực xã hội để viết ra thành phim. Đó là lý do vì sao những phim tôi làm phần lớn đều là kịch bản của tôi.
. Nhưng với nhu cầu thưởng thức của khán giả, tốc độ làm phim hiện nay, liệu các đạo diễn có đủ thời gian để lắng đọng, tích lũy vốn sống để làm phim như ông?
+ Guồng quay vẫn cứ quay, chọn lựa chạy theo guồng quay hay dừng lại để thai nghén tác phẩm là tùy vào sự chọn lựa của các đạo diễn. Mỗi thời mỗi khác, bây giờ đạo diễn làm không hết việc, có người còn nói 17 tuổi đã làm đạo diễn chính phim nhựa. Ngày xưa của chúng tôi thì còn lâu mới được như thế. Vì vậy, họ có nhiều cơ hội để trưởng thành, sẽ rất nhanh trưởng thành.
. Việc đạo diễn trẻ làm luôn chân luôn tay như thế có ảnh hưởng đến chất lượng phim không, theo ông?
+ Cái này thì phải từ từ, biết đâu họ làm nhiều mãi thì lượng sẽ thành chất (Cười).
. Theo ông, để điện ảnh Việt Nam không tụt hậu, cần phải làm gì?
+ Người ta cứ tổ chức các hội thảo bàn luận làm thế nào để điện ảnh Việt Nam ra được thế giới nhưng việc đơn giản nhất là phải phát hành DVD phim Việt có phụ đề tiếng Anh thì không ai chịu làm. Vừa rồi Hãng phim Phương Nam có sản xuất những phim Việt Nam cũ để bán lại và bán rất chạy. Nhưng những đĩa này cũng chỉ bán trong nước, không có phụ đề tiếng Anh. Vừa rồi, ông Garry Herman, Giám đốc rạp chiếu Cinema Theque (Hà Nội), đã làm một số DVD phim Việt có phụ đề tiếng Anh từ bản gốc: Thương nhớ đồng quê, Bao giờ cho tới tháng 10, Em bé Hà Nội…
Đó là cách thiết thực nhất để mở đường cho phim Việt ra thế giới.
. Xin cảm ơn ông.
Nhạt nhòa hiện thực cuộc sống trong điện ảnh Việt Nhiều nhà làm phim tham gia hội thảo Điện ảnh phản ánh hiện thực cuộc sống tại TP.HCM ngày 12-3 đã nêu nhận xét: Việc phản ánh hiện thực cuộc sống trong tác phẩm điện ảnh gần đây còn nhạt nhòa, phiến diện, thiếu sức sống. Phim do tư nhân làm chủ yếu mang màu sắc giải trí, mục tiêu ăn khách, kiếm lãi, cuộc sống trong phim chỉ làm nền cho những câu chuyện ly kỳ, mùi mẫn của tuổi mới lớn. Phim của đạo diễn Việt kiều phản ánh cuộc sống trong ký ức của đạo diễn, không đi vào gốc rễ cuộc sống. Phim nhà nước nhạt nhòa tan biến, không để lại ấn tượng. Các nhà làm phim cũng phân tích nguyên nhân tình trạng trên là do phim Việt chưa xây dựng được nhân vật có sức sống, bản lĩnh dân tộc. Phim chỉ phản ánh hiện tượng chứ không nói được bản chất cuộc sống và chủ yếu mô phỏng hiện tại chứ không có tính dự báo, ít có thông điệp gửi tới tương lai. |
TRÀ GIANG