Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang vừa ký ban hành Quy định về tổ chức và quản lý đoàn đi ngoài tỉnh, đoàn vào tỉnh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Quy định này đề ra các nguyên tắc quản lý, thẩm quyền quyết định, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và trình tự, thủ tục cử các đoàn đi ngoài tỉnh đi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong nước. Cũng như, đón tiếp các đoàn của các tỉnh, TP khác vào Hậu Giang thăm và làm việc.
Theo đó, Tỉnh ủy Hậu Giang yêu cầu đoàn của tỉnh đi đến các địa phương khác để học tập, trao đổi kinh nghiệm, thì phải chọn các địa phương có cách làm hay, mô hình mới, sáng tạo hoặc lĩnh vực đi đầu mang lại hiệu quả cao.
“Tổ chức đoàn đi ngoài tỉnh phải có mục đích, nội dung rõ ràng, xây dựng kế hoạch cụ thể. Trong đó, tập trung vào những khâu yếu hoặc những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tránh trùng lặp với các đoàn đã đi trước” - Quy định của Tỉnh ủy Hậu Giang nêu.
Tỉnh ủy Hậu Giang cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương không tổ chức đoàn đi ngoài tỉnh quá hai lần trong một năm. Cạnh đó, điểm đến của mỗi nơi không quá hai ngày, không tính thời gian đi và về.
Mặt khác, bố trí tối đa không quá hai lãnh đạo chủ chốt của cơ quan, đơn vị cùng tham gia một đoàn đi học tập, trao đổi kinh nghiệm. Thành phần đoàn cần tinh gọn, đảm bảo vừa đủ đáp ứng yêu cầu công việc.
Theo đó, mỗi đoàn đi không quá 10 người đối với đoàn do người đứng đầu sở, ngành, địa phương làm trưởng đoàn và không quá bảy người đối với đoàn do cấp phó làm trưởng. Trường hợp thật sự cần thiết phải thêm thành phần, thì trình Thường trực Tỉnh ủy xem xét, quyết định.
“Văn bản xin ý kiến gửi trước 10 ngày làm việc tính đến ngày dự kiến đi. Nội dung văn bản phải nêu rõ mục đích, thành phần, thời gian của chuyến đi, nguồn kinh phí sử dụng. Trưởng đoàn phải gửi báo cáo kết quả, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả, đề xuất kiến nghị cho cấp có thẩm quyền sau khi kết thúc chuyến đi trong 10 ngày làm việc” - Quy định của Tỉnh ủy Hậu Giang thể hiện.
Đối với việc đón tiếp đoàn vào tỉnh thăm và làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh hoặc UBND tỉnh thì Văn phòng của các đơn vị trên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình đón tiếp, nội dung làm việc. Trong đó, nêu rõ lý do mời tiếp đoàn hoặc nhu cầu đoàn vào tỉnh; số lượng, thành phần tham dự; địa điểm, thời gian tiếp.
Ngoài ra, phải gửi kèm theo những thông tin cần thiết liên quan đến đoàn, như tình hình công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề đoàn đề xuất trao đổi, học tập kinh nghiệm, chương trình và nội dung hoạt động của đoàn tại tỉnh. Từ đó, đề xuất nội dung phát biểu của lãnh đạo tỉnh, công tác hậu cần...
Đối tượng áp dụng Quy định này gồm:
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn.
- Các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh.
- Các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc tỉnh.
- Lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị nêu trên.