Quan điểm VKS về số tiền bất chính trong vụ 200 triệu lít xăng lậu

(PLO)- Nhiều bị cáo cho rằng số tiền thu lợi bất chính không nhiều như cáo buộc vì chưa trừ các khoản chi phí nhưng VKS bác bỏ quan điểm này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-11, sau năm ngày tạm hoãn, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục xét xử sơ thẩm đối với Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) và 73 bị cáo trong đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng từ Singapore về Việt Nam.

VKS: Không có căn cứ để trừ thêm

Kết thúc phần xét hỏi đối với 74 bị cáo trong vụ án, tòa chuyển sang phần tranh luận. Đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai nêu quan điểm luận tội đối với các bị cáo.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: VH

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: VH

Theo đại diện VKS, tại phần xét hỏi, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình trong cáo trạng đã nêu. Lời khai của các bị cáo tại tòa phù hợp với lời khai có trong hồ sơ vụ án trong quá trình điều tra. Trong quá trình xét hỏi, VKS luôn dựa trên nguyên tắc có lợi cho các bị cáo.

“Xét thấy trong quá trình xét hỏi, bị cáo Phan Thanh Hữu cho rằng số tiền thu lợi bất chính chỉ tính với hơn 130 triệu lít xăng bán ở Việt Nam, còn hơn 60 triệu lít xăng lậu tiêu thụ tại Campuchia thì không tính trong việc thu lợi bất chính. Tuy nhiên, ý kiến của bị cáo không phù hợp quan điểm buộc tội của VKSND tỉnh Đồng Nai nên không được chấp nhận” - đại diện VKS giữ quyền công tố nêu.

Ngoài ra, nhiều bị cáo mong HĐXX xem xét về số tiền thu lợi bất chính bị cáo buộc như cáo trạng nêu. Các bị cáo cho rằng cơ quan công an không trừ các khoản như chi phí bảo dưỡng tàu, xe; chi phí trả thuê xe, bến bãi...

Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã căn cứ vào thực tế sau khi trừ các khoản chi phí để xác định số tiền thu lợi trong quá trình buôn xăng lậu của các bị cáo là phù hợp, có căn cứ pháp luật.

“Bị cáo Lê Thanh Trung (39 tuổi, ngụ TP Cần Thơ; giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam 01 SWP, TP.HCM) thừa nhận từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Trung tiêu thụ hơn 100 triệu lít xăng nhưng số tiền thu lợi bất chính hơn 43 tỉ đồng mà cáo trạng nêu cần xem xét lại.

Bị cáo cho rằng trừ thêm các chi phí khác như thuê kho bãi, sửa chữa máy móc hơn 8 tỉ đồng nên chỉ thu lợi bất chính 35 tỉ đồng. Tuy nhiên, cơ quan CSĐT đã trừ các khoản chi phí hơn 11 tỉ đồng, do đó không có căn cứ trừ thêm” - đại diện VKS nêu.

“Ông trùm” thu lợi hơn 156 tỉ đồng

Theo cáo trạng truy tố, tính từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, do được sự “bảo kê” của nhiều cán bộ cảnh sát biển, bộ đội biên phòng và Tổng cục Hải quan, bị cáo Hữu cùng các đồng phạm đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng gần 200 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.600 tỉ đồng.

Số tiền Hữu thu lợi bất chính là hơn 156,2 tỉ đồng, Đào Ngọc Viễn (giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) hơn 46,7 tỉ đồng, Phùng Danh Thoại (cựu đại tá, trưởng Phòng xăng dầu thuộc Cục Hậu cần - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) hơn 22 tỉ đồng, Nguyễn Hữu Tứ (Vĩnh Long) gần 83 tỉ đồng, Trần Thị Thanh Vân (giám đốc Công ty TNHH TMDV Vân Trúc, tỉnh Bình Dương) 18 tỉ đồng…

Riêng bị cáo Ngô Văn Thụy (cựu cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 800 triệu đồng từ Hữu và các đồng phạm để làm ngơ cho đường dây tội phạm này.

VKS công bố toàn bộ tài sản đã thu giữ và kê biên của các bị cáo. Cụ thể, cơ quan điều tra tạm giữ hơn 220 tỉ đồng liên quan đến vụ án. Toàn bộ số tiền này đã nộp vào tài khoản của Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu mở tại Kho bạc nhà nước tỉnh Đồng Nai.

Đối với tài sản, cơ quan điều tra đã kê biên 50 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; phong tỏa 41 tài khoản của các bị can với tổng số tiền trong tài khoản là hơn 173 tỉ đồng và tạm dừng giao dịch đối với một tài khoản.

Cáo trạng cũng nêu ngoài việc thu giữ hơn 2,5 triệu lít xăng nhập lậu của các bị cáo, cơ quan chức năng còn kê biên 17 tàu thủy là phương tiện chở xăng lậu; 22 xe bồn, ba ô tô, hai xe máy là phương tiện vận chuyển xăng nhập lậu và đưa hối lộ; tạm giữ 65 điện thoại di động các loại.

Hai cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển lãnh án vì nhận hối lộ

Liên quan đến đường dây xăng dầu lậu này, hồi tháng 7, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã tuyên án đối với 14 bị cáo. Trong đó, bị cáo Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) bị tuyên phạt 15 năm tù, Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) 12 năm tù, cùng về tội nhận hối lộ.

Bị cáo Phùng Danh Thoại (cựu đại tá, cựu trưởng Phòng xăng dầu thuộc Cục Hậu cần - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) là người duy nhất bị truy tố về tội buôn lậu, nhận mức án bảy năm tù…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm