Sau hơn ba năm tại vị ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng hơn 11.000 dòng trạng thái trên trang Twitter cá nhân, theo hãng tin CNN. Giới quan sát đánh giá ông Trump là tổng thống đầu tiên “công cụ hóa” thành công Twitter thành một phương tiện để giúp ông đạt được mục tiêu của mình cả về phương diện đối nội lẫn đối ngoại. Trước thềm bầu cử sắp tới, chủ nhân Nhà Trắng được dự báo sẽ còn đẩy mạnh hiện diện số của mình hơn nữa.
Twitter - nền tảng kết nối cử tri và ông Trump
Nhờ tính chất lan tỏa tự nhiên của mạng xã hội, mọi phát ngôn, tin tức cập nhật từ tài khoản của ông Trump đều sở hữu lượng thích, chia sẻ và xem rất lớn. Đáng chú ý, việc thường xuyên chia sẻ suy nghĩ, quan điểm về các vấn đề đời sống, chính trị của ông Trump tạo nên khởi đầu mới của thời đại “dân chủ” thực sự. Có thể nói Tổng thống Donald Trump đã khởi tạo xu hướng cực kỳ nổi bật trong đời sống chính trị khi thiết lập hệ thống chính trị với các thông tin mở, kết nối trực tiếp với đại bộ phận dân chúng và cho phép cử tri bộc lộ những phản ứng tức thời trước thông tin.
Tự nhận mình là “tổng thống của đời sống hiện đại”, thành công và sự nổi tiếng của ông Trump chủ yếu có được nhờ sự hiện diện thường xuyên, liên tục trên mạng xã hội. 40% ngân sách cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump được dành cho việc sử dụng và tiếp cận cử tri thông qua mạng xã hội và các nền tảng truyền thông hiện đại. Hãng tin Bloomberg ước tính cơ sở dữ liệu thông tin cử tri trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump trị giá khoảng 100 triệu USD.
Vào năm 2016, sự hiện diện của Donald Trump trên mạng xã hội được xem là yếu tố đóng góp lớn nhất cho chiến thắng của ông. Riêng trên Facebook, đội ngũ của vị tỉ phú này đã chi ít nhất 100.000 USD để quảng cáo trong suốt tháng 11. Số tiền ước tính có thể giúp ông Trump tiếp cận với ít nhất 126 triệu người dân Mỹ.
Đáng chú ý, Tổng thống Trump không chỉ hiện diện thường xuyên mà còn có chiến lược sử dụng mạng xã hội hiệu quả. Nhà lãnh đạo này sử dụng các dịch vụ mà Facebook cung cấp, bao gồm cả chuyên gia hỗ trợ lan tỏa thông điệp, nhắm chính xác tới nhóm đối tượng mục tiêu… Dù đối thủ khi đó là bà Hillary Clinton có sử dụng chiến dịch truyền thông trên Facebook nhưng lại không nhờ cậy tới sự giúp sức từ đội ngũ chuyên gia mạng xã hội này.
Tổng thống Donald Trump sử dụng điện thoại trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng vào tháng 7-2018. Ảnh: CNBC
Mạng xã hội sẽ giúp ông Trump tái đắc cử?
Đối với ông Trump, nhiều khả năng ông đang xem Twitter là công cụ giúp kết nối trực tiếp với người ủng hộ, để ông đáp trả trực tiếp các đối thủ, bộc lộ rõ nét tính cách và quan điểm chính trị.
Đáng chú ý, việc dồn lực trên Twitter phần nào tạo điều kiện cho vị tỉ phú này thường xuyên tiếp cận được với các cá nhân, tổ chức mà không cần quá phụ thuộc vào các phương pháp truyền thông mang tính truyền thống như báo chí, radio, truyền hình - những nền tảng mà ông Trump thường tỏ thái độ tiêu cực về cách hoạt động.
Thời gian tới, dù sự nghiệp của Donald Trump có thể thay đổi nhưng ít nhất cách ông tận dụng mạng xã hội và tương tác với người dân đã để lại dấu ấn đậm nét, xây dựng hình ảnh một chính trị gia đặc biệt và có thể là sẽ không có người nào lặp lại được hiện tượng này. SCOTT JENNINGS, trợ lý chuyên trách các vấn đề đối nội |
Kể từ khi thắng cử vào tháng 9-2016 tới nay, trung bình mỗi ngày ông Trump đăng 6, 7 trạng thái trên trang Twitter cá nhân. Nội dung chủ yếu lặp lại các cụm từ, từ khóa, định danh một số hoạt động hoặc sự kiện liên quan tới đời sống chính trị cũng như kinh tế Mỹ. Điều này khiến việc tìm kiếm các phát ngôn, cũng như mức độ lan tỏa của các phát biểu trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Chẳng hạn, một trong những cụm từ ưa thích của Donald Trump là “fake news” (tin giả), được lặp lại hơn 150 lần trong năm đầu tiên nhiệm kỳ của ông.
Ngoài ra, một phát hiện đáng chú ý khác là khoảng 41% các trạng thái Twitter của ông Trump được đăng tải trong khoảng thời gian 5-9 giờ sáng, cho thấy nhà lãnh đạo thường bắt đầu ngày mới bằng việc sử dụng mạng xã hội và luôn trong trạng thái thư giãn, hưng phấn.
“Cho tới nay, chưa có vị tổng thống nào khác có thể “thống trị” trên mặt trận truyền thông một cách tự nhiên như cách ông Trump đang thực hiện. Một phần nguyên nhân xuất phát từ thói quen hay sử dụng mạng xã hội của ông và biết cách tận dụng thành thục công cụ này” - CNN nhận xét.
Ông Biden tiếp tục vượt ông Trump trong thăm dò dư luận Đài CNN ngày 21-6 dẫn kết quả thăm dò mới đây của ĐH Quinnipiac (Mỹ) cho thấy ứng viên Joe Biden nhận được tỉ lệ ủng hộ đến 49%, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ được 41%. Đồng thời, số cử tri không tán thành cách ông xử lý công việc trong Nhà Trắng, nhất là về các phản ứng liên quan đến phong trào biểu tình, tăng từ 53% lên 55%. Việc điều hành nền kinh tế là lĩnh vực duy nhất mà Tổng thống Trump nhận được tỉ lệ ủng hộ trên 50%. Các cuộc thăm dò được ĐH Quinnipiac tiến hành vào tháng 2 và tháng 4 cũng cho kết quả với khoảng cách tương tự. |