Theo tin từ kênh Channel News Asia, ngày 22-2 khoảng 100 hành khách là công dân Nhật trên tàu du lịch Diamond Princess được xuống tàu.
Một tài xế mặc đồ bảo hộ màu trắng lái chiếc xe buýt đón hành khách xuống tàu. Rèm xe được kéo kín để bảo vệ tính riêng tư cho hành khách. Đây là nhóm khách người Nhật cuối cùng trên tàu Diamond Princess, và sau khi xuống tàu số hành khách này sẽ phải cách ly 14 ngày gần Tokyo.
Tàu du lịch Diamond Princess đậu ở cảng TP Yokohama (Nhật). Ảnh: AFP
Đầu tuần này đã có khoảng 970 hành khách được rời tàu. Những hành khách người nước ngoài vẫn chưa được rời tàu, mà phải đợi khi nào chính phủ nước họ đưa máy bay đến đón về mới được xuống tàu.
Trên tàu còn hơn 1.000 nhân viên lo phục vụ thức ăn cho số hành khách còn kẹt trên tàu. Nhiều ý kiến lo ngại việc di chuyển của số nhân viên này sẽ khiến đà lây nhiễm thêm cao. Hiện số ca nhiễm COVID-19 trên tàu Diamond Princess ở mức gây sốc: 600 ca, tăng chóng mặt từ chỉ 10 ca hai tuần trước. Con tàu này bị xem là ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Hành khách trên tàu Diamond Princess trên ban công tàu, ngày 6-2. Ảnh: AFP
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Nhật Kentaro Iwata chỉ trích các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trên tàu Diamond Princess “hoàn toàn không thích hợp”. Theo ông, không có gì khác biệt giữa các khu vực có người nhiễm và các khu vực không có người nhiễm.
Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Stanley Deresinski tại đại học Stanford (Mỹ), với sự không chắc chắn về sự lan truyền của virus, cách tốt nhất là đưa hành khách xuống tàu và cách ly họ ở nơi có điều kiện cách ly bảo đảm hơn. Tuy nhiên, chuyên gia Deresinski cũng thừa nhận với số lượng người trên tàu quá lớn thế này thì chuyện này có vẻ không thực tế.
Ngày 22-2 Bộ trưởng Y tế Nhật Katsunobu Kato cũng bảo vệ quyết định duy trì cách ly hành khách trên tàu với lý lẽ rằng Nhật hiện không có cơ sở y tế nào đủ lớn có thể cách ly cùng lúc hơn 3.000 người trên tàu.