Vì sao ca nhiễm tàu Diamond Princess từ 10 lên 600 chỉ 2 tuần?

Số ca nhiễm COVID-19 trên tàu du lịch Diamond Princess đậu ngoài cảng Nhật tăng chóng mặt từ chỉ 10 ca lên tới cả 600 ca chỉ trong vòng 2 tuần.

Từ ngày 4-2 đến ngày 20-2, 3.700 hành khách và nhân viên tàu bị cách ly trên con tàu đậu ở cảng TP Yokohama, tỉnh Kanagawa (Nhật) và bị xem là ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Tàu du lịch Diamond Princess vào cảng TP Yokohama ngày 6-2. Ảnh: REUTERS 

Tại sao số ca nhiễm trên tàu tăng nhanh đến thế? Báo Hoa Nam Buổi sáng dẫn ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng hệ thống lưu thông không khí trên tàu có thể có vai trò lớn trong việc này.

“Con tàu là một môi trường thuận lợi cho loại bệnh như COVID-19 lan tràn. Hệ thống lưu thông không khí ở đó tệ hơn trên một máy bay” - theo giáo sư Jean-Paul Rodrigue, chuyên về sơ đồ phương tiện vận tải tại Đại học Hofstar ở New York (Mỹ).

“Một con tàu du lịch gần như là một môi trường lý tưởng để thúc đẩy virus lan tràn từ người qua người, dù đó là norovirus, coronavirus hay virus cúm” -chuyên gia về bệnh truyền nhiễm William Schaffner tại Đại học Vanderbilt (Mỹ) nhận xét.

Tàu du lịch Diamond Princess vào cảng TP Yokohama ngày 6-2. Ảnh: REUTERS

“Chúng ta biết rằng nếu muốn tăng độ lây nhiễm một virus như virus Corona hay virus cúm, đưa chúng vô một con tàu du lịch nơi các hệ thống trao đổi khí thông nhau, mọi người trên tàu về cơ bản chia sẻ không khí cùng với nhau” – theo ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Đại học Minnesota (Mỹ).

Lây nhiễm trên tàu cao hơn trên máy bay

COVID-19, virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp, được cho lan truyền thông qua các hạt phân tử trong không khí, giống như các chủng virus Corona khác.

Trên môi trường máy bay, không khí được xoay vòng, trong đó có một phần không khí từ bên ngoài vào. Không khí bên ngoài vô trùng một cách tự nhiên, vì độ cao của máy bay. Các thiết bị lọc không khí được sử dụng trên máy bay cùng chất lượng với các thiết bị lọc không khí sử dụng cho các phòng phẫu thuật.

Hành khách trên tàu Diamond Princess trên ban công tàu, ngày 14-2. Ảnh: AFP

Để tránh tiếp xúc với các hạt phân tử mang mầm bệnh này trên máy bay, các nhà chức trách y tế từ Mỹ đến Hong Kong đều khuyên mọi người giữ khoảng cách tối thiểu 2 m với người khác và đặc biệt với những người họ nghi có mang mầm bệnh.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) có đưa ra phân loại rủi ro với hành khách trên máy bay dựa vào chỗ ngồi của họ. Theo đó, rủi ro cao hơn với những người ngồi cách một hành khách bị nhiễm trong vòng 2 ghế trở lại.

Nhưng với tàu du lịch, hành khách và nhân viên tàu gần gũi hơn nhiều, và các tình huống mang lại nhiều nguy cơ hơn cho nhân viên tàu.

“Nhân viên tàu bị giới hạn trong những khu phòng ngủ của khách, và nhiệm vụ của họ buộc phải tiếp xúc thường xuyên với khách. Họ thường phải tiếp xúc mặt đối mặt với khách với thời gian dài, trong không gian kín, và di chuyển qua các hành lang kín. Đây là môi trường mà việc truyền nhiễm virus rất dễ xảy ra” - theo chuyên gia Schaffner.

Một số bác sĩ khuyên hành khách trên tàu thường xuyên mở cửa phòng, hay mở cửa sổ, hay mở lối đi ra ban công để tăng lượng không khí lưu thông, giúp giảm rủi ro lây nhiễm.

Nhật không dự đoán trước được

Vì các yếu tố này, nhiều chuyên gia cảnh báo các con tàu du lịch này có thể là những ổ dịch nguy cơ lớn.

Tuần rồi, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Nhật Kentaro Iwata chỉ trích các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trên tàu Diamond Princess “hoàn toàn không thích hợp”. Theo ông, không có gì khác biệt giữa các khu vực có người nhiễm và các khu vực không có người nhiễm.

Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Stanley Deresinski tại Đại học Stanford (Mỹ), với sự không chắc chắn về sự lan truyền của virus, cách tiếp cận tốt nhất là đưa hành khách xuống tàu và cách ly họ ở nơi có điều kiện cách ly bảo đảm hơn. Tuy nhiên, chuyên gia Deresinski cũng thừa nhận với số lượng người trên tàu quá lớn thế này thì chuyện này có vẻ không thực tế.

Hành khách trên tàu Diamond Princess trên ban công tàu, ngày 6-2. Ảnh: AFP

Chuyên gia Schaffner cũng nhận định rằng có thể nhà chức trách Nhật đã hy vọng con tàu Diamond Princess là một nơi cách ly hiệu quả: “Tôi không nghĩ có ai đó dự đoán trước sẽ có một sự lan tràn dữ dội như vậy, virus lan tràn nhanh trên tàu. Giờ rõ ràng cho thấy mọi người đã đánh giá thấp khả năng lây lan của vius”.

Giáo sư Rodrigue cũng cho rằng các nhà chức trách Nhật giờ cũng đã nhận ra nguy cơ bệnh tật ẩn náu trong môi trường con tàu.

Dù thế, các chuyên gia cũng thông cảm rằng nhà chức trách Yokohama không dễ dàng gì khi phải cân bằng áp lực, chỉ trích về mặt đạo đức khi quyết định cách ly người trên tàu Diamond Princess.

Tàu du lịch Diamond Princess vào cảng TP Yokohama ngày 6-2. Ảnh: REUTERS

Những hành khách may mắn được cho xuống khỏi con tàu Diamond Princess đã vượt qua 2 tuần cách ly. Tuy nhiên, các nhà chức trách y tế ở Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Hong Kong đều chưa chấp nhận kết quả này. Nhà chức trách Nhật cho biết các hành khách này sẽ phải chịu cách ly thêm 2 tuần nữa. Bộ trưởng Y tế Nhật Katsunobu Hato khuyến cáo hành khách tự theo dõi tình trạng sức khỏe mình và hạn chế tiếp xúc công cộng.

 Thông tin về một con tàu du lịch khác - MS Westerdam lại không giống với tình hình tàu Diamond Princess. Tàu MS Westerdam bị 5 cảng từ chối cho nhập cảnh vì sợ dịch trước khi được Campuchia cho nhập cảnh tuần trước. Đến lúc này, không hành khách nào trên tàu Westerdam bị xác nhận nhiễm COVID-19. Một phụ nữ Mỹ sau khi xuống tàu Westerdam đã bay sang Malaysia và bị giới chức nước này xét nghiệm ra kết quả dương tính với COVID-19, nhưng sau đó thông báo lại kết quả này không chính xác.

Vì sao ca nhiễm tàu Diamond Princess từ 10 lên 600 chỉ 2 tuần? ảnh 6
Hành khách xuống tàu MS Westerdam ở Campuchia ngày 14-2. Ảnh: EPA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm