Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 30-6 đã thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, trước khi nó hết hạn vào tháng 10.
Nga sau đó đã lên tiếng phản đối yêu cầu của Washington đối với Tehran, ví hành động của Mỹ như đang “ghì cổ” Iran "đến chết”.
Theo hãng tin Sputnik, Mỹ trước đó đã gửi một bản dự thảo cho Hội đồng Bảo an LHQ, đề nghị kéo dài vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran nhưng bị Nga và Trung Quốc phản đối.
“Không chỉ riêng nước Mỹ, hãy lắng nghe lời kêu gọi của các nước trong khu vực kìa. Israel và cả các quốc gia Trung Đông đều đang cùng lên tiếng yêu cầu gia hạn lệnh cấm vận vũ khí này” - ông Pompeo nói trong cuộc họp trực tuyến với Hội đồng Bảo an LHQ.
Lệnh cấm vận Iran dự kiến sẽ kết thúc vào giữa tháng 10 năm nay, theo thỏa thuận hạt nhân được ký kết vào năm 2015 giữa nước Cộng hòa Hồi giáo với Anh, Đức, Pháp, Trung Quốc, Nga và chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tổ chức một cuộc họp báo về các thỏa thuận với Trung Quốc và Iran tại Washington ngày 24-6-2020. Ảnh: REUTERS
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump từ lâu đã cho rằng không nên dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, nhằm ngăn Tehran thực hiện hành vi mà Washington cáo buộc là hỗ trợ khủng bố, hãng tin AP cho hay.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, đồng thời liên tục tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này nhằm tạo "áp lực tối đa" lên Tehran.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia đã mô tả yêu cầu của Mỹ như “một chính sách bắt chẹt quá mức”.
“Yêu cầu của Mỹ không cho Iran một con đường để thở, theo nghĩa đen. Hành động này giống như việc đặt đầu gối vào cổ của một người và ghì chặt đến chết vậy” - ông Nebenzia ám chỉ đến cái chết của người đàn ông da màu bị một sĩ quan cảnh sát da trắng ghì chết ở bang Minneapolis, Mỹ vừa qua.
“Cộng đồng quốc tế nói chung và Hội đồng Bảo an LHQ nói riêng đang phải đối mặt với một quyết định quan trọng: Chúng ta sẽ duy trì sự tôn trọng đối với luật pháp hay sẽ đầu hàng trước quyết định của một quốc gia chuyên bắt nạt nước khác?” - Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói.
Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Rosemary Dicarlo tại cuộc họp trực tuyến với Hội đồng Bảo an. Ảnh: LHQ
Phó Tổng thư ký LHQ Rosemary Dicarlo khẳng định thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran là rất quan trọng đối với nền an ninh khu vực và an ninh quốc tế.
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng: “Thật đáng tiếc rằng tương lai của thỏa thuận này đang không được tươi sáng cho lắm”.
Ba nước Anh, Pháp và Đức đều bày tỏ lo ngại trước việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ có tác động lớn đối với an ninh và ổn định khu vực.
Dù vậy, cả ba cho biết sẽ không ủng hộ những nỗ lực của Mỹ nhằm đơn phương kích hoạt trở lại tất cả các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Trước đó đầu tháng 6, Mỹ thông báo về một dự thảo nghị quyết kêu gọi kéo dài lệnh trừng phạt Iran, đe dọa sẽ kích hoạt điều khoản "đảo ngược" thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Tehran.
Tuy nhiên, Iran và hai bên trong nhóm P5+1 là Nga và Trung Quốc cho rằng Mỹ không còn quyền viện dẫn điều khoản "đảo ngược" vì Washington đã đơn phương từ bỏ thỏa thuận này.