Sản phẩm du lịch đường sông của TP vẫn còn hạn chế, chưa có điểm nhấn, sản phẩm du lịch chưa phong phú và chưa có sản phẩm đặc trưng mang tính khác biệt so với những địa phương khác.
Cùng nhận định trên, ThS Trần Thị Bích Thủy, Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại TP.HCM, dẫn chứng trong một lần đi khảo sát gần đây nhận thấy điểm đưa đón khách chưa hợp lý. Cụ thể, tại tuyến du lịch Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khách muốn đi phải đến điểm đón quận Bình Thạnh mới có tàu để đi. Trong khi đó, khách nước ngoài thường tập trung tại quận 1.
“Thậm chí khi chúng tôi hỏi hướng dẫn viên, họ cũng không biết tour của mình đưa khách đi đến đâu. Khi tôi hỏi đi từ quận 1 đến quận 3 mình sẽ hưởng được những dịch vụ nào, sản phẩm nào thì chỉ được trả lời sơ sơ. Khi đến nơi rồi thì cũng không có gì để tham quan, mua sắm, chúng tôi thấy trơ trọi” - bà Thủy nhận xét.
Nhiều ý kiến khác tại hội thảo cũng cho rằng hiện nay TP.HCM chưa khai thác được tiềm năng du lịch đường sông. Trong khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài lại làm khá tốt khi họ đang khai thác trên tuyến sông Sài Gòn cũng như nhiều tuyến sông khác. Đáng buồn là ngành du lịch không hưởng được gì từ tài nguyên sông nước mà nhà đầu tư nước ngoài đang khai thác.
Vậy làm sao để khắc phục những điểm yếu này và thúc đẩy du lịch đường sông phát triển? Ông Tô Tấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn, cho rằng để đưa du lịch đường sông trở thành sản phẩm chủ lực của TP.HCM phải kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ.
Ví dụ cần có phương tiện giao thông đường bộ thuận tiện nối các bến, đường sông với các điểm tham quan. Chẳng hạn, việc tham quan bảo tàng áo dài hay nhà vườn tại quận 9 hiện khó triển khai đối với các đoàn lớn vì đoạn đường bộ dẫn đến bảo tàng phù hợp với loại xe dưới 25 chỗ. Do đó, cần có phương tiện phù hợp để thuận lợi cho du khách.
Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa thông tin: Sở đã dự thảo đề án phát triển du lịch đường sông nhưng do quy hoạch tổng thể ngành du lịch đến năm 2030 chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, đề án này chậm một thời gian và trước mắt UBND chỉ đạo xây dựng một kế hoạch cụ thể để phát triển du lịch đường thủy. Hy vọng khi có kế hoạch cụ thể, chi tiết thì du lịch đường sông TP.HCM mới đi lên.