Tây Ninh: Cả trăm hecta đất có hai sổ đỏ

Sáu năm qua, chín hộ dân ở huyện Tân Biên (Tây Ninh) tranh chấp với Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát vì đất họ đang sử dụng đã được huyện cấp sổ đỏ thì bị tỉnh cấp chồng cho Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát.

Trồng rừng khi đang tranh chấp

Ông Dương Văn Hoàng 54 tuổi, ngụ tại thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên kể: “Năm 1999, gia đình tôi sang nhượng lại của một người dân 8 ha đất ở ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Khi sang nhượng chúng tôi có ra xã chứng thực. Cả chủ tịch xã lẫn địa chính xã đều khẳng định đất không có tranh chấp, nằm ngoài đường ranh nông lâm. Hai năm sau huyện cấp sổ đỏ cho phần diện tích gần 2,4 ha. Phần còn lại, xã cho biết sẽ cấp sau. Đang trồng cây trên đó thì năm 2007, tỉnh cấp toàn bộ đất của tôi cho Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát mà không hề có quyết định thu hồi”.

Tương tự, năm 1997, huyện Tân Biên cũng cấp sổ đỏ cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Ký ở xã Tân Lập (Tân Biên) hơn 9 ha và họ dốc vốn vào trồng cao su trên phần đất này. Khi bắt đầu thu hoạch cao su thì huyện ra quyết định thu hồi giấy đỏ với lý do “nằm trong đất lâm nghiệp của Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát” mà chưa có phương án bồi thường...

Tây Ninh: Cả trăm hecta đất có hai sổ đỏ ảnh 1

Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn suốt 20 năm nay bám trụ trên 1 ha điều đã được huyện cấp sổ đỏ nhưng đang có nguy cơ mất trắng. Ảnh: HG

Ông Hoàng bức xúc: Tôi được cấp sổ đỏ năm 2001, khi đó theo bản đồ của xã thì toàn bộ phần đất của tôi năm ngoài ranh giới nông lâm. Ba năm sau tỉnh mới giao đất cho vườn quốc gia và năm 2007 cấp giấy đỏ cho đơn vị này chồng lên đất của tôi. Việc giao đất cho đơn vị khác trong khi đất đã được giao trước cho các cá nhân mà không thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Đất đai là không phù hợp. Chúng tôi sử dụng đất suốt 10 năm nay có đóng thuế đàng hoàng. Khi tỉnh cấp giấy đỏ phần đất của tôi cho vườn quốc gia, họ buộc tôi phải ký hợp đồng trồng rừng nhưng tôi không đồng ý vì đất đang tranh chấp. Thế là ngày 4-6-2009, lần đầu tiên Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát cùng UBND xã Tân Lập mời vợ chồng tôi ra xã để vận động giao đất trồng rừng. Gia đình tôi chưa đồng ý vì còn nhiều vướng mắc thì ngày hôm sau vườn quốc gia cho người đến trồng rừng và 10 ngày sau mới đem giấy thông báo về việc cưỡng chế trồng rừng…

Có chín hộ dân được cấp giấy đỏ trong các năm từ 1996 đến 2001 nhưng đến tháng 1-2007, UBND tỉnh Tây Ninh lại cấp giấy đỏ cho Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát. Ngoài một số hộ trồng mì, mía thì hầu hết các hộ dân trồng cao su, chuẩn bị cho thu hoạch thì sắp bị lấy đất để trồng rừng, khiến các hộ dân bức xúc. Việc đền bù gặp nhiều khó khăn do giá trị kinh tế lớn, vượt ngoài khả năng của huyện.

Huyện: Cấp sổ đỏ cho dân là không sai

Chúng tôi tìm hiểu chuyện cấp sổ tréo ngoe này ở huyện Tân Biên, ông Võ Tùng So, quyền Chánh văn phòng UBND huyện Tân Biên, khẳng định: Việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân là không sai. Từ bản đồ địa chính của xã, việc lập bản đồ, vẽ thửa đất nông nghiệp được cấp vào thời điểm đó là đúng. Vì đất có giấy đỏ nên người dân mới an tâm canh tác nhiều năm nay nên khi thu hồi phải bồi thường cho dân. Cần phải xem xét yếu tố lịch sử, địa lý để xử lý…

Khi các hộ dân khiếu nại, Thanh tra huyện Tân Biên kiểm tra và tại kết luận ngày 28-3-2011, thanh tra chỉ rõ: Không chỉ chín hộ dân xã Tân Lập mà có đến 45 hộ dân bị tỉnh cấp trùng cho vườn quốc gia với tổng diện tích hơn 120 ha. “Nhìn chung, quá trình cấp giấy đỏ tại thời điểm cấp giấy được UBND các xã và phòng TN&MT giải quyết, tham mưu UBND huyện ban hành quyết định cấp giấy đỏ là đúng quy định, đúng tiến độ cho dân.

Theo kết luận thanh tra cũng nêu: Nguyên nhân dẫn tới việc cấp sổ đỏ trùng lặp do chủ rừng Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát không xác định rõ đường ranh nông lâm, cách thức quản lý chưa chặt chẽ. Dẫn tới một số hộ dân tự sản xuất lâu năm mà chủ rừng không quan tâm, tác động chính quyền giải quyết.

Trao đổi về việc cấp sổ đỏ trùng lắp, Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát Nguyễn Đình Xuân nói: Lập luận của người dân “có sổ đỏ tôi mới trồng cao su là đúng”. Tuy nhiên, về nguyên tắc, văn bản hành chính cấp trên cao hơn cấp dưới nên nghiễm nhiên, sổ đỏ của tỉnh đã cấp thì sổ đỏ của huyện sẽ bị tiêu hủy…

Năm 1990, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn đến ấp Tân Tiến, xã Tân lập khai hoang hơn 1 ha để trồng điều. Năm 1998, huyện Tân Biên cấp giấy đỏ cho phần đất anh khai hoang. Theo anh Tuấn, lúc ấy cột mốc ranh giới lâm nghiệp nằm cách xa đất của anh cả cây số nhưng sau nhiều lần di dời, hiện cái cột mốc này đã nằm chình ình ngay trong phần đất của anh và vườn quốc gia ra văn bản về việc trồng cây sai mục đích, yêu cầu chặt bỏ để trồng rừng.

Anh tâm sự: “Với 1 ha điều chưa nuôi sống được năm miệng ăn. Giờ chuyển sang trồng rừng, chúng tôi không biết lấy gì sinh sống…”.

15.000 ha diện tích mà tỉnh cấp sổ đỏ cho Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát vào năm 2007. Trong số đó có 120 ha đã được huyện Tân Biên cấp giấy đỏ cho người dân. Đến tháng 9-2008, huyện Tân Biên ra quyết định thu hồi giấy đỏ đã cấp nhưng chưa đưa ra được phương án đền bù thỏa đáng vì hầu hết diện tích đất này đã được người dân bỏ vốn lớn trồng cao su.

HÀN GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm