Ngày 27-5, tại TP Taormina, Sicily (Ý), hội nghị G7 đã kết thúc sau hai ngày làm việc với sự tham gia của các nước thành viên Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Canada, Nhật và Ý. Đây là hội nghị G7 đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Trump là nhân vật trung tâm tại kỳ hội nghị này.
Không ngoài dự đoán, hội nghị G7 lần này đã diễn ra căng thẳng, có cả hy vọng và thất vọng.
Chủ đề dễ dàng nhận được sự đồng thuận của các lãnh đạo tại hội nghị là an ninh, khủng bố. Các lãnh đạo cam kết sẽ nỗ lực hợp tác chống khủng bố, kêu gọi các công ty cung cấp Internet và mạng xã hội nỗ lực để các nội dung cực đoan hạn chế xuất hiện.
Điểm đáng chú ý và thất vọng nhất tại hội nghị là ông Trump đã thẳng thừng từ chối ủng hộ thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris được 195 nước ký năm 2015 về cắt giảm khí thải carbon, nói cần thêm thời gian để quyết định. Viết trên Twitter, ông Trump cho biết sẽ có quyết định vào tuần tới. Từ khi tranh cử ông Trump luôn đe dọa sẽ rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này.
Quang cảnh phiên họp hội nghị G7. Ảnh: REUTERS
Trong khi tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tin tưởng ông Trump sẽ chọn ở lại với thỏa thuận này thì thái độ lần lữa của ông Trump khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel thất vọng và bất an.
“Cuộc đối thoại về chủ đề khí hậu diễn ra rất khó khăn, nếu không muốn nói là rất thất vọng. Không có dấu hiệu gì để biết Mỹ sẽ ở lại với thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris hay không” - bà Merkel nói với báo chí sau hội nghị.
Thất vọng quanh thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris phần nào được xoa dịu với hy vọng về chủ đề thương mại.
Dưới áp lực của các đồng minh G7, ông Trump đã phải đồng ý với nội dung tuyên bố chung G7, cam kết “chống lại mọi hình thức bảo hộ” và tôn trọng hệ thống thương mại quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các lãnh đạo G7 tại TP Taormina, Sicily (Ý) ngày 27-5. Ảnh: REUTERS
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng đe dọa sẽ đơn phương tăng thuế nhập khẩu lên hàng hóa Mexico và Trung Quốc, rút khỏi Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nếu không thương lượng lại được các điều khoản có lợi hơn cho Mỹ. Đầu tuần này, ông Trump còn gọi Đức “quá tệ” trong thương mại vì thặng dư với Mỹ quá lớn.
Tuyên bố chung hội nghị G7 lần này chỉ dài sáu trang chứ không phải 32 trang như hội nghị năm ngoái. Theo các nhà ngoại giao, các lãnh đạo muốn rút gọn tuyên bố chung để nó có thể tiếp cận nhiều người hơn.