Bệnh khó chữa: Ban hành văn bản pháp luật chậm, chồng chéo

Ngày 17-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan liên quan về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ qua…

Nhiều văn bản dưới luật chậm ban hành

Taị phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết từ đầu nhiệm kỳ tới này, Quốc hội đã ban hành 55 luật, trong đó có 53 luật đã có hiệu lực thi hành, hai luật có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: QH

“Qua giám sát, vẫn còn nhiều nội dung quy định chi tiết chưa ban hành hoặc ban hành chậm đã tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật, phối hợp giữa các cơ quan” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Ông dẫn chứng, luật Thi hành án hình sự đến nay vẫn còn 21 điều, khoản chưa có văn bản quy định chi tiết và văn bản quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện trình tự, thủ tục.

Nhiều luật có các quy định chi tiết đều ban hành chậm hoặc có hiệu lực thi hành chậm so với thời điểm thi hành của luật như luật Thi hành án hình sự năm 2019 có 15/15 văn bản; luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có 15/15 văn bản; luật Quản lý ngoại thương có 7/7 văn bản; luật Quốc phòng có 6/6 văn bản; Luật Tố cáo có 5/5 văn bản...

Trong số 184 nội dung được quy định chi tiết trong các văn bản có hiệu lực chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực của luật, có 138/184 (chiếm 75%) văn bản chậm dưới 6 tháng, 21/184 (chiếm 11%) văn bản chậm từ 6 tháng đến 1 năm, 25/184 (chiếm 14%) văn bản chậm từ 1 - 2 năm, ông Phúc thông tin.

Bên cạnh đó ông Phúc cũng nêu nhiều văn bản dưới luật còn có tình trạng trái với luật của Quốc hội với 7 nghị định, 3 thông tư quy định không đúng nội dung luật giao, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật.

Đáng lưu ý, có tới 8 nghị định có một số nội dung ủy quyền tiếp cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định chi tiết, điều này là chưa phù hợp quy định của pháp luật. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc cơ quan được ủy quyền ban hành văn bản quy định nội dung không đúng về thẩm quyền do luật giao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Từ đó, ông Phúc kiến nghị Quốc hội cần hạn chế giao quá nhiều quy định chi tiết luật, pháp lệnh. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng “ủy quyền tiếp” trong các văn bản quy định chi tiết.

Tổng thư ký Quốc hội cũng kiến nghị Chính phủ cần tăng cường rà soát, kịp thời phát hiện các văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản có sai phạm về thẩm quyền ban hành, hình thức, trình tự thủ tục ban hành hoặc văn bản có nội dung chưa bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bệnh chậm và thiếu đang là vấn đề

Đánh giá cao kết quả xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan trong nhiệm kỳ, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng căn bệnh kinh niên “chậm, thiếu, chồng chéo” cần phải giải quyết tiệt để.

Chủ nhiệm UB VHGDTTNNĐ Phan Thanh Bình. Ảnh: QH

“Theo thống kê của Tổng thư ký Quốc hội thì có văn bản ban hành tới 21 tháng, thậm chí có trường hợp chậm tới 4 năm. Thứ hai nữa là tình trạng thiếu. Nhiều nội dung Quốc hội giao Chính phủ và các cơ quan hướng dẫn nhưng lại không làm. Thứ 3 là là tình trạng trái luật, quy định của luật như vậy nhưng hướng dẫn, quy định lại không đúng” - ông Hiển nói và nhấn mạnh trong đó 2 căn bệnh “chậm và thiếu” đang thực sự là vấn đề.

Ông cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh trên, do đó cần phải chuyên tâm hơn nữa ới công tác xây dựng luật pháp lệnh ở mọi góc độ.

“Nhiều cái luật quy định rất rõ rồi, các cơ quan liên quan lại không xem xét kỹ lưỡng, lại đi hỏi, nhiều cái hỏi không đúng thẩm quyền của UBTVQH mà là thẩm quyền của Chính phủ. UBTVQH lại phải họp giải quyết, rất mất thời gian” - ông Hiển nói.

Còn Chủ nhiệm UB VHGDTTNNĐ Phan Thanh Bình thì nhấn mạnh vấn đề giao thoa, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, dẫn tới hiện tượng 1 luật ra đời đụng chạm tới nhiều luật khác.

Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh. Ảnh: QH

“Có tình trạng mỗi bộ giữ khư khư “một cái luật này của bộ tôi”, chứ không đặt trong tổng thể quản lý chung của nhà nước. Do đó cần chủ động giải quyết vấn đề này. Hiện có 1 số vấn đề bị kẹt, chúng ta phải ngồi lại làm ngay nếu không sẽ chậm, sẽ dẫn tới toàn bộ hệ thống bị chậm” - ông Bình nói.

Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh thì cho rằng cần phải xử lý trách nhiệm để xảy ra tình trạng ban hành văn bản pháp quy phạm pháp luật chậm, thiếu, chồng chéo.

“Theo báo cáo thì có nhiều văn bản ban hành chậm. Nhưng mâu thuẫn ở chỗ xử lý trách nhiệm, đánh giá tác động thì toàn nói chung chung, không chỉ rõ. Hình thức xử lý là không xem xét khen thưởng, đây đâu phải là xử lý trách nhiệm. Nếu như vậy thì tới đây tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật chậm chễ, chồng chéo có khắc phục được không?” - ông Thanh nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.