Cần quy chuẩn phòng, chữa cháy đặc thù cho TP.HCM

Ngày 16-12, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Chỉ thị 47 của Ban bí thư (ngày 25-6-2015) và Chỉ thị 31 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM (ngày 27-3-2015) về tăng cường lãnh đạo công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, chủ trì hội nghị.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải tham quan gian hàng thiết bị, giải pháp công nghệ PCCC. Ảnh: THANH TUYỀN

Dân hiến đất mở hẻm, mở đường cho xe chữa cháy vào

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh: Sau năm năm, công tác PCCC của TP tại nhiều đơn vị, địa phương đã đi vào nề nếp. “Phong trào toàn dân tham gia PCCC đã có bước phát triển mới cả về nội dung và hình thức, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo và ngày càng được nhân rộng” - ông Hải đánh giá.

Theo ông Nguyễn Hồ Hải, ý thức PCCC trong nhân dân từng bước được nâng lên, nhiều nơi người dân đã hiến đất để mở rộng đường, hẻm để xe chữa cháy hoạt động. Người dân cũng tự trang bị các xe chữa cháy loại nhỏ, bình chữa cháy, các thiết bị cứu hộ, cứu nạn cho khu dân cư và các hộ gia đình.

Thời gian tới, ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị lực lượng PCCC tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành trong công tác quản lý nhà nước về PCCC một cách đồng bộ, nhất là các lĩnh vực, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao như điện, xăng dầu, hóa chất, khí đốt hóa lỏng... Phó bí thư Thành ủy yêu cầu quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ, không cấp giấy phép kinh doanh khi chưa đảm bảo những điều kiện an toàn về PCCC.

Ông Nguyễn Hồ Hải thông tin thêm, hiện TP.HCM đã hình thành năm đội khu vực và 24 đội PCCC, cứu nạn, cứu hộ thuộc 24 quận, huyện nhằm rút ngắn bán kính bảo vệ và nâng cao hiệu quả chữa cháy. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo quy định khoảng cách các đội 3 km thì các địa bàn như huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo phủ kín phạm vi hoạt động. 

Ông đề nghị UBND các quận, huyện rà soát, nghiên cứu phối hợp với các sở, ngành TP đề xuất xây dựng thêm các đội PCCC; củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ đủ mạnh nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố cháy nổ, không để cháy lan, cháy lớn.

4.813

vụ cháy đã xảy ra tại TP.HCM trong giai đoạn 2015-2020, làm chết 75 người, 209 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền khoảng 453,42 tỉ đồng. Công an TP đã tổ chức cứu nạn, cứu hộ 1.236 vụ, cứu được 941 người và tìm được 187 thi thể nạn nhân.

Đại tá NGUYỄN THANH HƯỞNG, Phó Giám đốc Công an TP.HCM

Cần tăng mức phạt với các chủ đầu tư vi phạm về PCCC

Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, nhận định TP.HCM là đô thị lớn, có tốc độ đô thị hóa nhanh, phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến PCCC. Trong khi đó, các văn bản pháp luật, quy chuẩn về PCCC chưa được cập nhật đầy đủ tại luật, nghị định, thông tư, các quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam.

Từ đó, ông kiến nghị Chính phủ cho phép TP.HCM ban hành và áp dụng các quy chuẩn PCCC đặc thù để điều chỉnh công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho phù hợp với điều kiện phát triển của TP.

Phó giám đốc Công an TP cũng kiến nghị Chính phủ có quy định, hướng dẫn về việc thành lập hiệp hội PCCC tại các tỉnh, TP trực thuộc trung ương và trên phạm vi cả nước nhằm tranh thủ các nguồn lực, nguồn vốn, kinh nghiệm trong xã hội đối với công tác PCCC.

Theo Đại tá Hưởng, trước mắt có thể cho thí điểm thành lập hiệp hội PCCC tại TP.HCM. Ông cũng cho rằng cần ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các loại hình cơ sở như các nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh; bố trí nơi đậu máy bay đối với các nhà cao tầng để phục vụ cứu nạn, cứu hộ.

“Bộ Xây dựng cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định còn bất cập, thiếu khả thi trong công tác quản lý chung cư, nhà cao tầng. Đồng thời, đề xuất tăng mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, phối hợp xử lý đối với trường hợp chủ đầu tư cho sử dụng công trình khi chưa được nghiệm thu, hoàn công về PCCC và xây dựng” - Đại tá Hưởng đề nghị.

 Đề xuất quy hoạch quỹ đất với các cơ sở di dời bắt buộc

Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết công tác PCCC của quận được UBND quận chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn, kiến nghị cơ sở thực hiện nhiều giải pháp mang lại hiệu quả trong công tác PCCC.

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận công tác PCCC tại các cơ sở còn chậm, chưa triệt để, dẫn đến khó khả thi trong việc khắc phục những thiếu sót trong PCCC. Cụ thể, không thể khắc phục khoảng cách phòng chống cháy, không có diện tích xây bể nước chữa cháy, đường giao thông phục vụ chữa cháy không đảm bảo, nhiều cơ sở nắm và hiểu chủ trương của TP nhưng chưa tìm được mặt bằng để di dời phù hợp…

Từ đó, ông Hiếu đề xuất các sở, ngành liên quan phối hợp tham mưu UBND TP quy hoạch quỹ đất, khu vực tập trung đối với các cơ sở thuộc diện bắt buộc di dời, tránh tình trạng bị động gây khó khăn cho chủ cơ sở và người lao động.

TP.HCM: 5 năm, gần 5.000 vụ cháy
TP.HCM: 5 năm, gần 5.000 vụ cháy
(PLO)- Số vụ cháy lớn tuy chiếm tỷ lệ thấp, nhưng lại gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong đó, khoảng 95% thiệt hại về tài sản là do những vụ cháy lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm