Hình thành động lực tăng trưởng mới ở phía đông TP.HCM

Sáng 24-7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị lần thứ 43 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020.

Hai nội dung quan trọng của hội nghị này là cho ý kiến về đề án không tổ chức HĐND quận, phường trên địa bàn TP và đề án thành lập TP phía đông.

Ba yếu tố tạo nên vùng tăng trưởng mới

Phát biểu khai mạc hội nghị, nói về đề án thành lập TP phía đông, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết đề án này được hình thành từ việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức. Thời gian qua, ba quận này có chỉ số tăng trưởng tốt.

Theo ông Nhân, đây là nơi có cường độ ứng dụng công nghệ cao nhất nước. Đây cũng là nơi có cường độ đào tạo và nghiên cứu cao nhất cả nước và là nơi có khu đô thị mới, trung tâm tài chính quốc tế. “Ba yếu tố này tác động lại tạo nên vùng tăng trưởng mới” - ông Nhân nói.

Theo Bí thư Thành ủy, với quy mô diện tích đất rất lớn 22.000 ha (bằng 1/10 diện tích TP), dân số trên 1 triệu người, đóng góp 1/3 kinh tế TP nên đơn vị mới phải là TP chứ không thể là quận. Bởi quy định cho phép các tỉnh được tổ chức TP trực thuộc.

Trên cơ sở đó, TP.HCM đã xây dựng đề án sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức thành TP phía đông và TP này sẽ có HĐND theo quy định. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan liên quan làm khẩn trương để trình Quốc hội.

TP phía đông khi hình thành sẽ tạo nên vùng tăng trưởng mới cho TP.HCM. Trong ảnh: Đường xa lộ Hà Nội đoạn qua quận 9 và Thủ Đức hướng về trung tâm TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiều ưu điểm không tổ chức HĐND quận, phường

Về đề án không tổ chức HĐND quận, phường, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc này đã được TP thực hiện từ bảy năm trước (từ năm 2009 đến 2016) theo nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND quận/huyện, phường của Quốc hội và cũng đã có kết quả.

Theo ông Nhân, ưu điểm khi không tổ chức HĐND ở cấp quận, phường là nếu chỉ có HĐND cấp TP thì những nghị quyết của HĐND về phát triển TP cả về quy hoạch và ngân sách phải định hướng sát tới quận và hình thành dự án có thể đến tận cơ sở. Khi đó, UBND quận, phường là cơ quan hành chính địa phương sẽ thực hiện nghị quyết HĐND cấp TP và chỉ đạo của UBND TP. Điều đó đòi hỏi trong quá trình chuẩn bị các quyết định cấp TP phải sát cơ sở và khi quyết định không phải qua khâu trung gian. Như vậy, việc chuẩn bị từ trước sẽ thực hiện nhanh hơn.

Hiện nay Quốc hội đã thông qua đề án không tổ chức HĐND cấp quận, phường ở TP Hà Nội và TP Đà Nẵng. 

Một ưu điểm nữa là ở TP.HCM, tất cả dự án hạ tầng đều mang tính chất liên phường, liên quận. Khi tổ chức lại thì những loại vấn đề này do cấp TP quyết định một lần và triển khai một cách đồng bộ, không phải cắt từng khúc và mỗi quận tự quyết đoạn qua địa bàn mình. Như thế sẽ triển khai nhanh hơn. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc và phản ánh thì cơ quan quyết định về chính sách của TP chỉ có một cấp quyết định ngay. Việc sửa, bổ sung và thay thế các tuyến đường ra sao sẽ được quyết định ở cấp TP và cấp dưới làm ngay, không phải bàn lần lượt từ cấp phường, quận rồi trình lên TP.

Về vai trò giám sát của người dân với chính quyền khi thực hiện mô hình trên, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng tinh thần là đại biểu HĐND cấp TP sẽ giám sát tới từng phường, còn MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ thực hiện quyền giám sát quyết liệt hơn và có cơ hội khẳng định vị trí tốt hơn. “Như vậy, dù bỏ hai cấp HĐND quận, phường nhưng dân chủ vẫn được duy trì, quyết định hành chính nhanh hơn, hiệu quả và toàn diện hơn” - ông Nhân nói và yêu cầu cần làm quyết liệt đề án này để tháng 10-2020 trình Quốc hội quyết định.

Thống nhất về sự cần thiết phải lập TP phía đông

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết qua trao đổi, thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình đề án không tổ chức HĐND cấp quận và phường, đồng thời có góp ý một số nội dung cho đề án. Trên cơ sở ý kiến của Ban chấp hành Đảng bộ TP, tuần sau lãnh đạo TP sẽ làm việc với các bộ, ngành và đại diện Ban Tổ chức Trung ương về nội dung này.

Đối với đề án thành lập TP phía đông, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết về nhu cầu, các ý kiến đều thống nhất sự cần thiết việc thành lập TP này. Với diện tích lớn hơn 14 quận khác của TP nên không thể là đơn vị cấp quận. Về tên của TP, sẽ có tên chính thức khi được Quốc hội thông qua, trước mắt tạm thời lấy tên là TP Thủ Đức trong khi chờ quyết định được thông qua.

(Theo thanhuytphcm.vn) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm