TP.HCM: Bảy nhóm giải pháp siết nhà không phép, sai phép

Sáng 30-7, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị xây dựng đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn TP. Đây là động thái để cụ thể hóa Chỉ thị 23 ngày 25-7 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường quản lý hiệu quả TTXD trên địa bàn.

Vi phạm xây dựng gia tăng

Theo báo cáo của ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, trong năm 2017, 2018 và sáu tháng đầu năm 2019, trên toàn TP có hơn 4.250 trường hợp sai phạm và hơn 3.500 trường hợp không phép.

Các hành vi xây dựng không phép phổ biến trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, xây dựng trên đất không được phép xây dựng.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá riêng công trình vi phạm trong sáu tháng đầu năm 2019 đã bằng số lượng vi phạm của cả năm 2017, 2018, đặc biệt là công trình xây dựng không phép.

Mới đây Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kiểm tra thử một số địa phương như Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, phát hiện ra hàng loạt công trình vi phạm. Riêng tại huyện Bình Chánh có tới 161 công trình nhà ba chung (chung sổ đỏ, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà - PV) đến nay chưa thể xử lý.

Ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn ví dụ: Tại xã Vĩnh Lộc A, một hộ dân đăng ký xây dựng nhà hai tầng, diện tích 168 m2. Sau đó đã thay đổi kiến trúc, chia thành 125 căn nhà với diện tích 1.181 m2. Một trường hợp khác ở xã Vĩnh Lộc B, năm 2015 chủ đầu tư xin xây ba căn nhà, đến năm 2017 đã xây thành 19 căn. Thậm chí có cả một doanh nghiệp đã tự ý hợp khối công trình nhà ở thành chung cư 200 hộ dân với 645 nhân khẩu. “Một người làm cả chung cư hàng trăm hộ dân đang ở thì rõ ràng là chúng ta buông chứ không phải là không biết” - ông Nhân đánh giá.

Ông cũng nêu lại chín công trình có móng, 10 căn nhà đang xây, 18 kèo xây dựng không phép tại xã Vĩnh Lộc A (Pháp Luật TP.HCM đã từng phản ánh hồi đầu tháng 3-2019) và nói: “Việc vi phạm xây dựng như trên không phải là chúng ta không biết mà là có làm hết trách nhiệm hay không thôi”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại hội nghị. Ảnh: VH

Bảy nhóm giải pháp

Tại hội nghị, Sở Xây dựng đã nêu ra bảy nhóm giải pháp để ngăn chặn nhà không phép, sai phép trong thời gian tới.

Đầu tiên là giải pháp về quy hoạch, hoàn thiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc phục vụ công tác cấp giấy phép xây dựng. Cùng với đó là giải pháp về tổ chức bộ máy. Trong đó, đáng chú ý là việc kiện toàn bộ máy để thực hiện thí điểm thành lập đội quản lý TTXD thuộc quận/huyện quản lý ngay sau khi được trung ương cho phép.

Kế đến là công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng. Thứ tư là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Thứ năm là giải pháp quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng. Thứ sáu là giám sát, kiểm tra bằng công nghệ. Cuối cùng là giải pháp về nhà ở cho người thu nhập thấp để đáp ứng nhu cầu nhà ở bức thiết cho người dân hiện nay.

Theo ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9, với những nội dung, giải pháp liên quan đến vấn đề quản lý TTXD cần được pháp lý hóa thì mới có cơ sở để thực hiện.

Ngoài ra, theo ông Bảy, đã đến lúc TP.HCM chuyển hướng tuyên truyền từ trang bị kiến thức pháp lý sang kiến thức pháp luật cho người dân. “Nhiều vấn đề người dân biết sai nhưng vẫn làm. Phải để cho người dân biết làm như thế là sẽ bị xử lý, tuyên truyền những vụ việc cụ thể của chính quyền để tác động vào ý thức của người dân” - ông Bảy nói.

Quận 12, huyện Nhà Bè, Củ Chi cũng kiến nghị cần phải rà soát lại quy hoạch, các chính sách pháp luật liên quan đến tách thửa, chuyển mục đích, các chỉ tiêu trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân có nhiều cơ hội sử dụng đất hợp pháp của mình và tránh được sai phạm.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị lãnh đạo các cấp, các ngành, đơn vị và các địa phương tập trung chấn chỉnh ngay công tác quản lý TTXD với phương châm: “Phát hiện sớm, xử lý nhanh, ngăn chặn từ đầu, không để xây dựng sai phạm hoàn thành”.

Bên cạnh sự yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý của chính quyền, cán bộ thì dư luận cho rằng hành vi tham nhũng của các cán bộ quản lý TTXD là một trong những nguyên nhân chính của việc vi phạm về TTXD tràn lan tại các địa phương.

Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM 

Xử lý tồn đọng nhà không phép

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đồng tình với các giải pháp nêu trên, đồng thời giao UBND TP trong tháng 6-2020 phải xử lý xong những công trình xây dựng không phép đã tồn tại mà chưa xử lý. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh mục đích cuối cùng là để giúp người dân có nhà ở hợp pháp chứ không phải là để cưỡng chế.

Phân tích về việc sai phạm đều được nhìn nhận nhưng mãi không khắc phục được, ông Nhân cho rằng là do có quy luật. Quy luật ở đây chính là việc tồn tại đó có lợi cho ba đối tượng: Thứ nhất là “cò” đất, do lợi nhuận quá cao nên các đối tượng này bất chấp pháp luật xây dựng, mua bán trái phép. Thứ hai là người dân, nhiều trường hợp biết sai nhưng vẫn mua vì việc có chỗ ở là có lợi cho họ. Thứ ba chính là cán bộ, công chức nếu không bị xử lý nghiêm thì vẫn tiếp tục sai phạm. “Chúng ta phải tính làm sao để những người vi phạm pháp luật sẽ bị bất lợi chứ không phải có lợi” - ông Nhân nói.

Cùng với đó, bí thư Thành ủy chỉ đạo TP phải nghiên cứu các chính sách để tạo nhà ở hợp pháp cho người dân. Trước mắt TP cần tổng kết mô hình nhà trọ cho thuê, nâng cấp, chuẩn hóa lên để lo chỗ ở cho dân.

300 cán bộ, công chức xây dựng bị xử lý

Ban Nội chính Thành ủy cũng đánh giá trong thời gian qua, trên địa bàn TP, vi phạm về TTXD xảy ra nhiều ở các địa phương cả về số lượng lẫn mức độ sai phạm. Theo Ban Nội chính, đây được xem là một trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhất hiện nay.

Cũng theo Ban Nội chính, thời gian qua đã có trên 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng bị xử lý về hành vi công vụ, nhiều trường hợp bị cảnh cáo, cách chức hoặc buộc thôi việc. Tuy nhiên, chỉ có một trường hợp bị phát hiện và xử lý về hành vi tham nhũng là ông Nguyễn Đỗ Duy Hải, cán bộ Thanh tra xây dựng huyện Nhà Bè, bị xử một năm tù về tội nhận hối lộ.

Trong khi đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cho biết Tổ công tác 1374 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã khảo sát, nắm tình hình và tham mưu, đề xuất Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với năm tổ chức đảng và sáu đảng viên tại Đảng bộ quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai, TTXD. “Qua kiểm tra, còn có tổ chức đảng và nhiều đảng viên, công chức có vi phạm, có nhiều trường hợp vi phạm phải đến mức thi hành kỷ luật” - Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đánh giá.

Cụ thể, tại Đảng bộ quận Thủ Đức, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thi hành kỷ luật cách chức tất cả chức vụ trong Đảng đối với một người, cảnh cáo hai người. Đảng bộ quận Thủ Đức thi hành kỷ luật cách chức tất cả chức vụ trong Đảng đối với ba người, cảnh cáo chín người, khiển trách ba người và phê bình rút kinh nghiệm đối với năm tổ chức đảng.

Còn tại Đảng bộ huyện Bình Chánh, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đang phối hợp với Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức và cá nhân có khuyết điểm, vi phạm theo thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, dự kiến hoàn thành trước ngày 10-8-2019.

Liên quan đến những sai phạm về xây dựng không phép tại hai xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh mà Pháp Luật TP.HCM phản ánh hồi tháng 3-2019, lãnh đạo TP cho biết: Công an huyện Bình Chánh đã khởi tố vụ án liên quan đến lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ. Hiện vụ án vẫn đang tiếp tục điều tra và sẽ khởi tố bị can.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm