Sáng 8-7, UBND TP Hà Nội đã trình HĐND TP Hà Nội xem xét báo cáo phương án vay lại vốn thuộc dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông để vận hành tuyến đường sắt đô thị này. Theo đó, Hà Nội dự kiến vay khoảng 98,35 triệu USD, tương đương khoảng 2.306 tỉ đồng từ nguồn vốn của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, bao gồm ba gói vay: 41,331 triệu USD; 9,925 triệu USD và 47,092 triệu USD.
Nguồn tiền này sẽ được sử dụng để vận hành, kinh doanh tuyến đường sắt gồm các hạng mục: Hệ thống kiểm soát vé tự động; hệ thống thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu; mua sắm đầu máy,toa xe; đào tạo và chuyển giao công nghệ. Theo UBND TP, lãi suất là 4%/năm tính trên số dư nợ vay lại. Các loại phí khác theo thỏa thuận vay nước ngoài bao gồm: Phí cam kết, phí trả nợ trước hạn và các chi phí khác phát sinh trên toàn bộ số vốn vay ODA, vay ưu đãi được tiếp nhận.
Theo báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND TP Hà Nội), việc Hà Nội thực hiện vay lại phần vốn vay nước ngoài của dự án đã được Chính phủ chỉ đạo và được xác định trong phương án tài chính của dự án. Phương án vay lại này được HĐND TP Hà Nội quyết nghị là căn cứ để cân đối nguồn lực và kế hoạch trả nợ của TP theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
“Khoản vay lại không làm vượt hạn mức dư nợ hằng năm của TP và không tính vào bội chi ngân sách địa phương. Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với chủ trương thực hiện vay lại vốn vay nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ như UBND TP trình” - báo cáo này nêu.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: NT
Tại cuộc thảo luận tại hội trường cùng ngày, ông Dương Đức Tuấn, Bí thư quận Hoàn Kiếm, cũng đề xuất TP Hà Nội nghiên cứu cống hóa các dòng sông để chống ô nhiễm. Ông Tuấn đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu các giải pháp bền vững, đảm bảo đa mục tiêu như có thể xem xét khả năng cống hóa đối với một số sông có tính chất kênh mương thoát nước, ngay cả như Tô Lịch, Kim Ngưu…
Tuy nhiên, đề xuất của ông Tuấn nhận được sự phản biện của đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Đức (quận Thanh Xuân). ĐB Đức nói ý tưởng bê tông hóa dòng sông là không nên và cho rằng nên bổ sung nước, để nước lưu thông vì có thể giảm ô nhiễm cho dòng sông, đồng thời tạo ra tuyến giao thông thủy trong nội đô. Giải pháp này đảm bảo giải quyết vấn đề ô nhiễm “trước mắt lẫn lâu dài” cho Hà Nội.
Trong chiều 8-7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định về mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của TP Hà Nội. Theo đó, học phí năm học 2019-2020 khu vực thành thị sẽ tăng thêm 40% và khu vực nông thôn tăng 26,7% so với năm trước.
Được biết sáu tháng đầu năm 2019 tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội (GRDP) tăng 7,21%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 132.134 tỉ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước; thu hút vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,3 tỉ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước; chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63, tăng bốn bậc so với năm trước… Cũng theo UBND TP Hà Nội, để đạt mức tăng trưởng cả năm là 7,4%-7,6%, sáu tháng cuối năm 2019, Hà Nội cần đạt mức tăng trưởng 7,6%-8%.
HĐND TP Cần Thơ sẽ nhận trực tiếp ý kiến cử tri trong kỳ họp Ngày 8-7, HĐND TP Cần Thơ tổ chức họp báo thông tin về những nội dung tại kỳ họp thứ 13 HĐND TP Cần Thơ khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 (thời gian kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12-7). Theo đó, kỳ họp sẽ bao gồm các việc như thông qua các báo cáo của thường trực HĐND TP, các báo cáo của các cơ quan tư pháp, ý kiến tham gia xây dựng chính quyền, việc thực hiện lời hứa tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP, thông qua các văn bản của UBND TP… HĐND TP cũng cho biết kỳ họp này dự kiến các ĐB sẽ chất vấn chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên UBND TP, chánh án TAND TP, viện trưởng VKSND TP và thủ trưởng các sở, ban, ngành của TP trên tám lĩnh vực. Ngoài ra, kỳ họp này còn thực hiện công tác về nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND TP. Kỳ họp có tổ chức đường dây điện thoại trực tiếp, số điện thoại 02922249990 để ghi nhận ý kiến của bà con cử tri đóng góp cho hoạt động của HĐND, UBND, các ngành, các cấp của TP. NHẪN NAM Thanh Hóa sắp xếp 143 xã, phường... còn 67 đơn vị cấp xã Cùng ngày, tại Thanh Hóa, kỳ họp thứ 9, khóa XVII, HĐND tỉnh Thanh Hóa khai mạc xem xét nhiều vấn đề, trong đó có việc đề nghị sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh này. Hiện Thanh Hóa chỉ có hai đơn vị hành chính cấp huyện và 23 đơn vị hành chính cấp xã đạt cả hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và dân số, các đơn vị còn lại đều chưa đạt. UBND đã trình phương án sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn và điều chỉnh địa giới ba xã thành 67 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập mới một thị trấn. Sau khi HĐND tỉnh quyết nghị chủ trương sắp xếp các xã, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ lập đề án báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. ĐẶNG TRUNG |