CHUYỆN 178.000 CỬ NHÂN, THẠC SĨ THẤT NGHIỆP

Tích cực tìm việc thay vì thụ động, kêu than

PGS-TS HUỲNH THANH HÙNG, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM:

Tự sinh viên khiến mình thất nghiệp

Các sinh viên (SV) vừa ra trường thường không chấp nhận mức lương thấp và công tác tại các tỉnh mà vẫn bám trụ lại TP nên dẫn đến thất nghiệp, trong khi những ngành nghề đó ở TP thì thừa nhưng ở một số địa phương lại thiếu. Như vậy chính các cử nhân biến mình trở thành người thất nghiệp chứ không phải không có việc để làm rồi dẫn đến thất nghiệp. Ngoài ra, cử nhân mới ra trường đòi hỏi mức lương quá cao so với thực tế mà các doanh nghiệp có thể trả nên họ không tuyển dụng. Chưa nói một số nhà tuyển dụng đôi lúc không cần kỹ sư, vì thế nếu ai chấp nhận thì có thể vào làm việc ở những nơi này, còn không chấp nhận thì không có việc làm là chuyện dễ hiểu.

Còn vấn đề đào tạo ra mà trong quá trình làm việc không đáp ứng được yêu cầu thì là chuyện khác. Vì anh không có kỹ năng, không có trình độ đào tạo chứ không phải xã hội thiếu việc làm. Về các kỹ năng thì có nhiều cách để SV tự trau dồi, tìm hiểu bổ sung cho mình chứ trường không thể đào tạo hết những vấn đề này.

Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM:

Phải bỏ tâm lý “kén cá chọn canh”

Khi tốt nghiệp, có bạn tìm việc ngay và gắn bó, có bạn tìm được việc nhưng thấy chưa phù hợp, cũng có bạn chấp nhận một công việc trái ngành và có bạn đang chờ việc. Dù sao khi đi tìm việc, các bạn hãy bỏ qua tâm lý kén chọn mà hãy chấp nhận đi từ thấp đến cao bởi bạn vừa tốt nghiệp, bạn chưa có nhiều trải nghiệm. Tấm bằng đại học chỉ đem lại cho bạn một nền tảng kiến thức, cái còn lại là các bạn phải làm giàu kiến thức của mình từ trải nghiệm thực tế và hoàn thiện những kỹ năng đã có được từ mấy năm ngồi giảng đường. Vì vậy ngay từ khi còn học, bạn phải rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tham gia công tác xã hội, xây dựng được giá trị năng lực hội nhập. Thanh niên phải dấn thân, tự tin chứ đừng tự kiêu, tự ti hay mơ hồ.

Bạn có thể rơi vào hoàn cảnh không biết tìm việc ở đâu hoặc đang ngồi chờ việc tốt. Trong khi đó thị trường lao động đòi hỏi rất đa dạng, ở tất cả trình độ, bằng cấp như sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và hơn thế nữa. Nói như vậy thì thử hỏi có cần học đại học không? Theo tôi rất nên học đại học nhưng người học phải chuẩn bị đầy đủ yếu tố mà thị trường lao động cần. Đó là kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ hòa nhập và trách nhiệm nghề nghiệp. Hãy học những gì mà xã hội cần và phù hợp với năng lực, cũng như sở thích của mình. Các vùng miền chưa đồng đều về nhu cầu nhân lực. Các SV khi về quê thường đối mặt với những khó khăn như vị trí công việc cần tuyển dụng trái với ngành nghề được đào tạo. Cử nhân chuyên ngành về kỹ thuật thì thiếu mà cử nhân chuyên ngành hành chính, xã hội thì dồi dào. Do đó những ngành nghề được đào tạo nhiều có sức cạnh tranh rất cao khiến cho nhiều tân cử nhân chưa thể có việc làm ngay.

Khi đã học xong, bạn hãy nhanh chóng tìm việc làm, xác định mục tiêu nghề nghiệp và đề ra hướng phát triển nghề nghiệp. Không ngừng làm giàu kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ, thái độ hòa nhập và trách nhiệm nghề nghiệp...

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM:

Sinh viên ra trường không biết mình đứng đâu

Việc SV mới ra trường thất nghiệp cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như chương trình đào tạo không phù hợp với thực tiễn, uy tín của trường so với những trường có cùng ngành đào tạo không cao... Các công ty tuyển dụng thường yêu cầu ứng cử viên phải có kinh nghiệm nhưng các SV mới ra trường thì không có những điều này.

Tuy nhiên, ngoài ba yếu tố trên thì cái lỗi lớn là thuộc về mỗi cử nhân không chịu tự thân vận động, trau dồi các kỹ năng cần thiết để phục vụ công việc sau khi ra trường. Nhiều SV mới ra trường nhưng có quan niệm làm quan chứ không chịu làm lính, không bắt đầu với những công việc nhỏ nhất rồi phát triển từ từ. Ngược lại, họ đòi hỏi phải có công việc tốt, lương cao nhưng tất cả không biết mình đang ở đâu, đứng vị trí nào trong xã hội.

Khi đó mặc dù lương không cao nhưng cử nhân không nghĩ được với công việc như vậy có thể tự nuôi sống bản thân và học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, cử nhân cần chấp nhận thực tế mới ra trường và không có kinh nghiệm thì lương chỉ ở mức 4-5 triệu đồng. Vì vậy, các cử nhân cần nhìn nhận vào thực tế vị trí của bản thân để lựa chọn cho mình một công việc phù hợp.

LÊ DOÃN H., 26 tuổi, Đắk Nông:

Học một lèo rồi… chờ gia đình xin việc

Em học xong cử nhân Học viện Hành chính. Em không vội tìm việc làm ngay mà quyết định học lên cao học chuyên ngành quản lý công. Tiện thể, thời gian này em học thêm văn bằng 2 ở Trường ĐH Luật TP.HCM. Ngoài thời gian học, em bán linh kiện điện tử ngoài lề đường để kiếm tiền tiêu xài, đỡ gánh cho gia đình. Phần tiền đóng học phí em vẫn phải nhận tài trợ từ anh của em đang làm việc ở một cơ quan nhà nước tại quê nhà.

Thực ra thì em cũng từng nghĩ đến chuyện xin việc khi vừa tốt nghiệp văn bằng 1 nhưng nghe nói phải tốn kém chứ không dễ nên em sợ và từ bỏ chuyện đi xin việc gì đó làm. Em nghĩ học một lèo lấy được nhiều bằng cấp thì cơ hội xin được việc sẽ cao hơn. Học xong hai trường này em sẽ về quê, có tấm bằng thạc sĩ cũng được chào đón hơn. Chắc anh của em sẽ xin được việc cho em, chứ em cũng chẳng biết tính sao. Em đành trông cậy vào gia đình hết thôi, vì xin việc giờ khó khăn lắm. Nếu gia đình không xin được thì em cũng tự nộp hồ sơ đại xem có việc thì làm, dù sao có bằng thạc sĩ và hai cái bằng cử nhân thì cũng ngon hơn!

Bạn PHAN THỊ THANH HUYỀN, SV năm cuối ngành Quản trị nguồn nhân lực khoa Quản trị nhân sự Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng):

Tích cực làm thêm để trau dồi kỹ năng

Em làm thêm rất nhiều việc để kiếm tiền trang trải và để có được những kinh nghiệm, sau này đi làm cho khỏi bỡ ngỡ. Công việc đầu tiên của em là gia sư luyện thi lớp 12, sau đó thì em còn làm thực tập sinh tại Sài Gòn. Năm ngoái, trong hai tháng hè em phục vụ nhà hàng, bán hàng, kinh doanh tóc giả, làm PG, phát tờ rơi... Những việc em đã làm thêm, có công việc phù hợp và có lẽ sẽ mang đến cho em nhiều bổ trợ khi làm việc chính thức đúng chuyên ngành sau này, cũng có công việc chủ yếu đem đến kỹ năng giao tiếp, bản lĩnh ứng xử, làm việc nhóm và trau dồi ngoại ngữ…

PHƯƠNG NHUNG, nhà báo:

Là người trẻ thì đừng ngồi chờ mãi thế!

Sau khi đọc bài viết “178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp thì đã sao?” trên báo Pháp Luật TP.HCM, tôi giật mình nhìn lại bản thân và tự hỏi: Tôi và bạn (những người còn đang chờ cơ hội đến với mình) đã và đang nghĩ gì trong khi biết bao người ngoài kia vẫn ngày ngày cạnh tranh khốc liệt để giữ công việc và đam mê của mình.

Các bạn đi phỏng vấn và bị nhà tuyển dụng chê trách vì bạn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm và thái độ với vị trí bạn đang ứng tuyển. Thật ra với tấm bằng giỏi bạn mang tới, họ cũng chỉ xem như thủ tục mà thôi. Vậy thiếu sót đó do đâu? Chẳng phải tự mình hay sao? Chẳng phải nên xem lại là mình có gì mà đi đòi hỏi những điều kiện tốt từ người khác?

Thử hỏi bạn có bao giờ so sánh những điều bạn có với những yêu cầu của nhà tuyển dụng hay chưa? Nếu được, bạn hãy thử một lần viết ra giấy, một bên là yêu cầu nhà tuyển dụng, một bên là thế mạnh và cả điểm yếu của bạn. Khi đó bạn sẽ biết vì sao mình bị từ chối, vì sao bạn không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Tất cả là do bạn mà thôi.

Ở độ tuổi 22-23, bạn còn quá trẻ và còn cả một tương lai để hy vọng, để lấp đầy những kỹ năng mình đang thiếu sót. Bạn biết đấy, cụ già 70 tuổi vẫn cố gắng đến trường để lấy tấm bằng THPT, một bà cụ bán rau quanh năm vẫn hằng ngày ngồi đọc từng trang sách luật để giành lấy tấm bằng cử nhân ĐH Luật. Còn bạn và tôi, chúng ta còn trẻ và lành lặn thì tại sao vẫn ngồi đây và trách móc người khác vì mình thất nghiệp.

Đã đến lúc người trẻ chúng ta thôi hãy ngồi một chỗ, thôi những suy nghĩ về cái thất bại đã qua và hãy làm việc. Làm bất cứ việc gì bạn cho là đúng, là chính đáng để kiếm tiền, để tìm kiếm cơ hội và nỗ lực vì công việc có được. Chỉ như thế bạn mới hoàn toàn chủ động với cuộc sống của mình. Một thái độ tự chủ với chính cuộc sống của bản thân mới là điều cần cho bạn lúc này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm