Tiếp tục vay Pháp 20 triệu EUR làm đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Bộ Tài chính vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề xuất ký Nghị định thư bổ sung 20 triệu EUR của chính phủ Pháp cho dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết ngày 21-12-2018, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và cơ cấu nguồn vốn vay ODA thuộc danh mục tài trợ dự án. Theo đó, phê duyệt bổ sung tăng vốn ODA trị giá 20 triệu EUR của chính phủ Pháp và giảm vốn ODA trị giá 20 triệu EUR của cơ quan phát triển Pháp (AFD).

Đoàn tàu đầu tiên trong 10 đoàn tàu được sản xuất cho tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: MRB

Đối với khoản vốn vay AFD, căn cứ theo các quy định, ngày 25-3-2019, Bộ Tài chính có thư đề nghị hủy một phần khoản vay trị giá 20 triệu EUR của thỏa ước tín dụng CVN1164 01G. Ngày 23-5-2019, AFD xác nhận việc hủy vốn vay này.

Như vậy, việc ký Nghị định thư 2019 là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp nhận khoản vốn vay ODA 20 triệu EUR bổ sung từ chính phủ Pháp sau khi đã hủy khoản vay trị giá 20 triệu EUR của AFD để tiếp tục thực hiện dự án. Đây là nghị định thư tiếp theo cho các nghị định thư tài chính Việt-Pháp mà hai bên ký vào các năm 2006, 2009 và 2014.

Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định thư 2019 có nội dung lãi suất của khoản vay là 0,08%/năm với thời hạn vay là 30 năm, trong đó có 10 năm ân hạn. Lãi chậm trả được tính theo lãi suất ngắn hạn theo đồng Euro cộng 2,5%/năm và không dưới 3%/năm.

Bộ Tài chính đánh giá so với Nghị định thư 2014, khoản này lần này có điều kiện vay tốt hơn (trước đây vay 85 triệu EUR, lãi suất 0,17%/năm, trong đó sáu năm ân hạn). Riêng với mức lãi suất phạt chậm trả, theo dự thảo ban đầu, chính phủ Pháp yêu cầu lãi chậm trả là lãi suất bình quân châu Âu theo đồng EUR (TEMPE) cộng 4%/năm và không dưới 5%/năm.

“Do lãi suất bình quân châu Âu theo đồng EUR (TEMPE) được thay thế bởi lãi suất ngắn hạn theo đồng EUR (ESTER), Bộ Tài chính đề nghị phía Pháp cập nhật theo tham chiếu được áp dụng hiện nay và cộng với biên độ tương tự như Nghị định thư ký năm 2014, chỉ cộng 2,5%/năm và không dưới 3%/năm. Phía Đại sứ quán Pháp thống nhất nội dung này…” - Bộ Tài chính cho biết.

Vì vậy, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ phê duyệt nội dung dự thảo Nghị định thư tài chính giữa chính phủ nước Cộng hòa Pháp và Chính phủ Việt Nam năm 2019 nhằm bổ sung 20 triệu EUR cho dự án.

Bên cạnh đó, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức việc đàm phán thỏa ước vay cụ thể cho dự án với Natixis theo đúng quy định hiện hành.

Liên quan đến dự án này, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết sau tám năm, công trình Nhổn - ga Hà Nội hoàn thành trên 50% khối lượng. Đoạn đi trên cao (từ Nhổn đến Cầu Giấy) có tỉ lệ hoàn thành gần 99%. Dự kiến đi vào khai thác thương mại vào năm 2021, còn đoạn đi ngầm từ Kim Mã đến ga Hà Nội khai thác vào năm 2022.

Ngày 29-10, UBND TP Hà Nội và Tập đoàn Alstom của Pháp (nhà thầu sản xuất tàu cho tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội) ký biên bản ghi nhớ về hợp đồng hiện tại và ra mắt đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro này.

Mỗi đoàn tàu của tuyến metro số 3 Nhổn - ga Hà Nội sẽ có bốn khoang với tổng chiều dài 78,27 m, có 94 ghế được phân chia ra các khu vực cho người tàn tật và có thể chở tổng cộng gần 950 hành khách/chuyến, tốc độ thương mại 35-38 km.

                                    Hà Nội đang trả lãi vay

 Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km ngầm, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Được khởi công từ tháng 9-2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2017. Tuy nhiên, đầu năm 2017 TP báo cáo lùi tiến độ đến sau năm 2021. Tổng mức đầu tư dự án sau hai lần tăng giá, hiện lên gần 36.000 tỉ đồng.

UBND TP Hà Nội cho biết năm 2017 Hà Nội sẽ phải trả nợ vốn vay ODA làm dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là 159 tỉ đồng, trong tổng số nợ phải trả đến năm 2055 là hơn 15.800 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm