“Công cha như núi Thái Sơn”…
Tình tiết vụ án đã quá rõ: H. vừa mua xong ma túy thì bị công an bắt quả tang với 0,3497 g heroin trong túi áo. Trong các bút lục cũng như tại phiên xử mới đây của TAND quận 12 (TP.HCM), bị cáo thành khẩn thú nhận mọi hành vi phạm tội. Đại diện VKS đề nghị mức án 2-3 năm tù. Tòa cho bị cáo nói lời sau cùng rồi chuẩn bị bước vào phòng nghị án.
Bất ngờ từ phía người dự khán, một cụ già 83 tuổi run rẩy bám ghế đứng lên: “Thưa quý tòa”... Chủ tọa hỏi: “Xin hỏi bác là gì của bị cáo?”. Ông cụ: “Tôi là bố của cháu H. Tôi có thẻ thương binh, có huân chương kháng chiến. Tôi mong quý tòa xem xét cho cháu được hưởng mức án thấp nhất”.
Giờ tòa nghị án, H. - đứa con trai út trong chín người con của ông, đã 40 tuổi, thân hình to cao, lao đến ôm chặt bố như tìm một sự che chở. Ông cụ cũng ôm con vào lòng, vuốt tóc anh ta, vỗ vỗ vai anh ta. Phút gặp gỡ ngắn ngủi nhưng chan chứa tình yêu thương của họ đã làm mềm lòng những người dự khán.
1. H. mới vài tuổi thì đã mồ côi mẹ. Ông xin nghỉ hưu trước tuổi, dang dở cái nghề sửa điện tàu thủy để ở nhà chăm con. Ông mong muốn lấy tình thương yêu của người cha bù cho sự vắng bóng của người mẹ. Ông muốn đứa con út này cũng được chăm sóc đầy đủ như các anh chị.
Đêm, hai bố con nằm ngủ chung. Ngày, thi thoảng có người gọi đi làm, ông cho cả H. cùng đi bởi H. hay nói: “Không có bố, con buồn lắm!”. Đi đâu, hai bố con cũng có nhau. Ngồi sau lưng ông trên chiếc xe đạp cũ, H. hỏi đủ điều: “Bố ơi, sao con gà này có cái mũ đỏ, còn con gà kia thì không?”. Ông trả lời từng câu hỏi của con, rằng: “Con gà có mũ đỏ là gà trống, gà không có mũ đỏ là gà mái. Mà con phải gọi là cái mào gà mới đúng. Gà trống là cha, gà mái là mẹ, gà con có cha có mẹ. Chúng là một gia đình”…
H. hiếu động, hay quậy phá, đánh nhau. Ông đã nhiều lần nghe lời phàn nàn của nhà trường và hàng xóm. Nhưng ông cũng có niềm tự hào riêng: Các con ông đều nghe lời bố. Ông giáo dục con bằng kỷ luật của một người lính. Ông phân công việc nhà đâu đó rõ ràng. Các con ông đều theo nghề điện như ông. Những người con lớn công việc đã vững vàng, gia đình yên ấm. Ông đã trở thành ông cố gần 10 năm nay. Ông thật hạnh phúc khi được sống trong cảnh tứ đại đồng đường, ngày tết con cháu họp lại trên 40 người. Hàng xóm nói với ông: “Chúng con mong được như gia đình cụ”.
2. H. lớn lên cũng theo nghề của bố. Ông vui vì H. rất nghe lời ông. Nhưng rồi, ông bất ngờ vì con dần thay tâm đổi tính, có khi hung hăng, hay cãi lại. Có những ngày, anh ta lầm lì không nói, đôi mắt nhìn như dán vào một điểm nào đó trong không gian. Có những tối, anh ta vắng nhà đột ngột, đi tới khuya mới về. Có những lúc, anh ta vào phòng tắm thật lâu mà không nghe tiếng nước dội. Từ một chàng thanh niên hoạt bát, H. thoắt trở thành con người âu sầu, trầm cảm.
Ông ngờ ngợ. Ông lo sợ. Ông tìm hiểu sách báo, hỏi han người nhà. Ông đọc các tư liệu nói về tác hại của ma túy và tình trạng của người dùng ma túy… Rồi ông biết sự thật: H. bị nghiện ma túy.
Ông bàn với các con động viên H. cai nghiện. H. tự nguyện, đồng ý để các anh trói tay chân, khóa trong phòng, đến bữa cho ăn uống. Lòng đau theo từng cơn vật vã đói thuốc của con nhưng ông cương quyết để con cai cho bằng được.
Những ngày ấy rồi cũng qua đi, H. cai được. Ông già 83 tuổi thật sự tìm được niềm vui. Ông gom góp hơn chục triệu đồng dành dụm từ lương hưu để H. đăng ký học lái xe. Hằng ngày, ông gọi điện thoại kiểm tra. Thận trọng, ông yêu cầu cho gặp thầy hướng dẫn. Gặp đúng thầy rồi ông mới an tâm. Tình thương con thì nhiều nhưng tuổi già, chân chậm mắt mờ, ông cũng chỉ theo con được đến vậy. Ngày H. gần thi lấy bằng, ông khấp khởi mừng. H. sẽ làm tài xế, vợ H. có nghề may. Cuộc sống giản dị nhưng ổn định, chẳng mấy chốc mà nên cơ nghiệp…
3. Cuối tháng 8-2010, nghe tin H. bị bắt khi đang mua heroin, ông suy sụp, phải nằm liệt ba tháng mới tạm gượng dậy được.
Ngày xét xử H., ông dậy từ 5 giờ sáng, húp vội chén cháo rồi đón xe đến tòa. Công an áp giải H. ra trước vành móng ngựa. Thấy ông, H. khóc òa như trẻ thơ. Ông đến lau nước mắt cho con, bảo con bình tĩnh: “Có bố đây, con đừng sợ!”. Rồi ông ngồi xuống hàng ghế dự khán, chăm chú theo dõi phiên tòa.
Phiên xử kết thúc, gặp ông, tôi định hỏi thăm vài câu nhưng có vẻ như huyết áp ông đang lên. Ông xin lỗi, ra về. Hôm tôi đến nhà, ông đã khỏe hơn nhiều. Ông nói mừng vì sự có mặt của ông giúp con bớt lo sợ. Ông chỉ xin tòa cho con được hưởng mức án thấp nhất bởi thường nghe câu “nhất nhật tại tù…”.
Rồi ông hào hứng khoe: “Cô à, chị nó vừa vào thăm nó. Nó khóc nhiều lắm. Nó viết thư nhờ anh quản giáo gửi về nhà cho tôi”. Ông kể thư của anh ta viết rằng: “Con có lỗi nhiều với bố. Con vào đây mới nhận thức rõ được sự hư hỏng của mình. Con làm bố đau đớn nhiều lắm rồi, mong bố tha tội cho con. Con mong bố luôn khỏe. Con cai nghiện xong sẽ về chịu tội với bố”… Ông bảo, ngày nào còn sống thì ngày đó ông sẽ còn làm mọi việc có thể để giúp con xa rời sự cám dỗ của ma túy.
Nhìn ông cụ ở cái tuổi gần đất xa trời lo lắng cho đứa con hơn 40 tuổi của mình như lo cho một đứa trẻ con, tôi đã thấy thật thấm thía về tình cha sâu nặng ở đời!
PHƯƠNG LOAN