Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến trưa 12-3

Tính đến 13 giờ 30 trưa 12-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 4.622 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 124.118 ca nhiễm. Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 46 người, số ca nhiễm tăng 1.727 người. Hiện đại dịch đã lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 67.694 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 2.404 người so với sáng cùng ngày.  

Một nạn nhân tử vong do nhiễm COVID-19 ở bang California (Mỹ) hôm 10-3. Ảnh: AFP

Mỹ cấm du khách từ châu Âu nhập cảnh

Phát biểu hôm 12-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ cấm du khách từ châu Âu nhập cảnh (ngoại trừ Anh) trong một tháng, bắt đầu từ ngày 13-3, theo tờ The Guardian.

Cụ thể, lệnh cấm áp dụng với toàn bộ khu vực Schengen, gồm các quốc gia: Áo, Bỉ, Czech, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italia, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ. Tương tự trước đây, lệnh cấm lần này không áp dụng cho công dân Mỹ, cũng như những người cư trú vĩnh viễn hợp pháp cùng các thành viên gia đình họ.

Trong phát biểu đưa ra từ Nhà Trắng, người đứng đầu chính quyền Mỹ cũng cho biết đây là quyết định cần thiết để ngăn chặn các ca nhiễm mới vào quốc gia này. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ vẫn khẳng định nguy cơ từ dịch bệnh đối với người Mỹ rất thấp, dù những người lớn tuổi phải cẩn thận hơn. Ông Trump cũng bày tỏ tin tưởng vào năng lực y tế của Mỹ với những bác sĩ và nhà khoa học giỏi nhất.

Cùng ngày, trang tin Politico cho biết một nhân viên làm việc tại văn phòng của Thượng nghị sĩ Dân chủ Maria Cantwell dương tính với COVID-19. Bà Cantwell đã cho đóng cửa văn phòng hết tuần và nhân viên sẽ làm việc từ xa trong khi yêu cầu xét nghiệm thêm các nhân viên khác trong văn phòng.

Tính đến trưa 12-3 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận 987 ca lây nhiễm với 35 trường hợp tử vong. 

Ông Duterte chuẩn bị xét nghiệm COVID-19

Hãng tin Bloomberg ngày 12-3 đưa tin Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang chuẩn bị xét nghiệm virus gây dịch COVID-19 sau khi các quan chức hàng đầu của nước này đang phải tự cách ly.

Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Benjamin Diokno, Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez và Bộ trưởng Giao thông vận tải Arthur Tugade của Philippines mới đây cho biết họ sẽ cách ly sau khi tiếp xúc với một người nhiễm COVID-19.

Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính, Thượng viện và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ở Philippines sẽ đóng cửa từ ngày 12-3 để phục vụ công tác dọn dẹp, khử trùng.

Trong khi đó, hai thượng nghị sĩ Philippines là Sherwin Gatchalian và Nancy Binay tối 11-3 cho biết họ sẽ tự cách ly, sau khi biết tin một nhân chứng mà họ từng tiếp xúc trong một phiên điều trần hôm 5-3 đã được xác nhận nhiễm virus COVID-19.

Phát ngôn viên của Tổng thống Duterte - ông Salvador Panelo cho biết tổng thống hiện chưa có triệu chứng bất thường nào. 

Thượng nghị sĩ Bong Go, một trong các trợ lý thân cận nhất của ông Duterte, khẳng định việc xét nghiệm là một "biện pháp đề phòng" và cho biết ông cũng sẽ được xét nghiệm cùng Tổng thống Duterte.

"Không phải chúng tôi đi xét nghiệm vì chúng tôi có triệu chứng bệnh COVID-19. Chúng tôi làm điều này để đảm bảo rằng chúng tôi vẫn khỏe mạnh để tiếp xúc với công chúng và thực hiện nhiệm vụ của mình trong những ngày và tuần tới" - ông Bong Go giải thích.

Đến trưa 12-3, Philippines ghi nhận 49 ca lây nhiễm COVID-19 và hai ca tử vong. 

Mỹ: COVID-19 có thể tồn tại trên một số bề mặt đến ba ngày 

Tạp chí Time dẫn kết quả nghiên cứu của chính phủ Mỹ và các nhà khoa học được công bố ngày 11-3 cho thấy ngoài tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, COVID-19 có thể lây lan trong không khí hoặc thông qua việc chạm vào các vật thể mà người nhiễm virus từng tiếp xúc.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thiết bị khí dung để thử nghiệm việc đưa mẫu virus mới vào không khí, nhằm mô phỏng tình huống tương tự khi một người bị nhiễm virus ho hoặc phát tán virus ra không khí.

Họ phát hiện ra rằng virus vẫn có thể tồn tại sau 3 giờ trong không khí, 4 giờ trên bề mặt đồng, 24 giờ trên bìa cứng và tới ba ngày trên bề mặt nhựa và thép không gỉ. Kết quả này tương đồng với kết quả thu được từ cuộc thử nghiệm được tiến hành với virus gây dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003.

Trước đó, cuộc nghiên cứu của các nhà dịch tễ học Trung Quốc được công bố hôm 6-3 đã chỉ ra rằng COVID-19 có thể lơ lửng trong không khí ít nhất 30 phút và có thể bay xa 4,5 m, xa hơn “khoảng cách an toàn” mà các giới chức y tế đưa ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm