Lý do chính chưa đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành là do tổng thầu Trung Quốc (EPC - Công ty HH tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) chưa chịu bàn giao hồ sơ dự án để đánh giá, nghiệm thu đưa dự án vào khai thác.
“Phải có hồ sơ thì mới tiến hành nghiệm thu cấp cơ sở, phải có nghiệm thu cấp cơ sở mới tiến hành nghiệm thu cấp nhà nước. Giờ chưa có các điều kiện này thì đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa vận hành được” - ông Học nói.
Cũng theo ông Học, một trong những việc được Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ quan tâm hàng đầu khi về nhận nhiệm vụ tại Hà Nội là giải quyết vấn đề đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Ông Học dẫn chứng: Chiều 26-3, bí thư Hà Nội đã chủ trì cuộc làm việc giữa Hà Nội với Bộ GTVT để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án.
Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ GTVT cho hay vướng mắc nhất của dự án là vấn đề thanh toán, quyết toán, nhất là việc tuân thủ kết luận của Kiểm toán Nhà nước về dự án (tháng 9-2019) khiến hai bên chưa đạt được thống nhất chung.
Sau cuộc làm việc này, Hà Nội và Bộ GTVT đã thống nhất thành lập tổ công tác xây dựng kế hoạch thực hiện những nhiệm vụ cuối cùng của dự án. Tổ công tác có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch rà soát, xem xét, đưa ra giải pháp tháo gỡ toàn bộ vấn đề còn vướng mắc, chưa thống nhất giữa chủ đầu tư và tổng thầu, đề xuất Chính phủ xem xét, giải quyết.
Về công tác đánh giá an toàn, chạy thử đoàn tàu, nghiệm thu và bàn giao, các bên thống nhất thực hiện nghiệm thu có điều kiện đối với các nội dung công việc còn tồn tại, đồng thời các bên hoàn tất thủ tục, hồ sơ bàn giao chính thức dự án theo quy định pháp luật.
Các bên cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước trên cơ sở báo cáo cung cấp và giải trình của Bộ GTVT, rà soát kết luận kiểm toán để có thể xem xét, điều chỉnh đối với nội dung thuộc thẩm quyền.
Liên quan đến dự án này, trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện một số dự án trọng điểm ngành GTVT mới đây, Bộ GTVT cho biết phía tổng thầu EPC đề nghị cần 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao.
Ngày 2-6, Bộ GTVT cũng cho hay theo báo cáo của ban quản lý dự án, tại cuộc họp trực tuyến ngày 12-5, ông Tiêu Vu Thái, Tổng giám đốc EPC, đã nêu một số khó khăn, trong đó có khoản thanh toán cho các nhà sản xuất, nhà thầu phụ.
Theo đó, tổng thầu kiến nghị phía Việt Nam thanh toán 50 triệu USD trước khi thực hiện vận hành thử toàn hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao chính thức dự án.
Số tiền này để trả cho phần công việc mà tổng thầu đã hoàn thiện, không phải chi phí phát sinh của hợp đồng. “Hiện nay, Ban quản lý dự án đường sắt đã thanh toán cho tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng EPC, phần còn lại khoảng 20%...” - Bộ GTVT cho biết.
Qua trao đổi, ban quản lý dự án ghi nhận khó khăn về tài chính của tổng thầu nhưng đề nghị thanh toán này chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của hợp đồng EPC và các phụ lục đã ký.
Bộ GTVT cho hay bộ đang tích cực phối hợp với UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan để giải quyết những vấn đề thủ tục cũng như những vướng mắc của dự án. Từ đó, bộ sẽ sớm đưa nhân sự của tổng thầu và các đơn vị tư vấn quay lại Việt Nam nhằm triển khai các phần việc còn lại để hoàn thành dự án. |