Tiếp mạch ý kiến cho rằng nên sửa luật theo hướng thừa nhận chế định kiện tập thể, nhiều chuyên gia đã phân tích những ưu điểm rõ rệt của chế định này trong các vụ vi phạm gây ảnh hưởng đến số đông, đến cộng đồng.
Theo luật sư Lê Thành Kính (Đoàn Luật sư TP.HCM), khi chế định kiện tập thể được áp dụng thì tòa sẽ giảm được một khối lượng công việc khổng lồ.
Tòa đỡ vất vả
Chẳng hạn trong vụ Vedan, nếu 6.973 hộ nông dân bị thiệt hại trong vụ Vedan khởi kiện và tòa thụ lý hết thì trong từng vụ, tòa sẽ phải tiến hành đủ các bước tống đạt quyết định, triệu tập đương sự lấy lời khai, cung cấp chứng cứ, hòa giải... Trong khi đó, nếu luật cho phép áp dụng chế định kiện tập thể thì chỉ có một cá nhân hay một cơ quan, tổ chức đại diện các hộ nông dân. Thay vì phải lần lượt vất vả làm việc trực tiếp với 6.973 hộ dân, với tổng cộng hàng chục ngàn lần tống đạt, hàng chục ngàn lần triệu tập, hàng chục ngàn lần tổ chức hòa giải, tòa sẽ chỉ làm việc với người đại diện nên giảm thiểu được các khâu thủ tục lặp đi lặp lại.
Chưa kể, theo luật sư Kính, trong cơ chế kiện tập thể, khi bản án của tòa có hiệu lực thì quá trình thi hành án cũng dễ dàng hơn. Việc giảm áp lực cho tòa kéo theo việc giảm áp lực cho cơ quan thi hành án các địa phương, sẽ lợi đơn lợi kép!
Thẩm phán Nguyển Thanh Vân (TAND quận Bình Thạnh, TP.HCM) nói trong vụ Vedan, nếu như tòa thụ lý theo quy định hiện nay thì rõ ràng rất vất vả cho cả cơ quan tố tụng cũng như người tham gia tố tụng. 6.973 đơn kiện cùng một lúc là quá sức đối với một tòa cấp huyện. Do vậy, nếu người dân ồ ạt khởi kiện thì TAND Tối cao cần có hướng tháo gỡ trong vụ việc này để vừa giảm gánh nặng cho tòa cấp dưới, vừa tạo thuận lợi cho các bên tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Trong tương lai, các dạng tranh chấp kiểu này chắc chắn sẽ khá nhiều. Muốn giải quyết triệt để, các nhà làm luật cần có sự chỉnh sửa luật cho phù hợp với xu thế mới. Một điều cần lưu ý là nếu sửa luật, cho phép khởi kiện tập thể thì cũng cần có những quy định cụ thể về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của chủ thể đứng đơn đại diện cũng như mối quan hệ hậu tố tụng giữa chủ thể khởi kiện với các thành viên được đại diện.
Một thẩm phán TAND TP.HCM còn phân tích: Nếu áp dụng chế định kiện tập thể thì tòa quá “khỏe” trong việc bảo vệ an ninh trật tự tại tòa. Thông thường những phiên xử tập trung đông người thì diễn biến rất phức tạp. Lý do là dựa vào tâm lý đám đông, đương sự thường có những phản ứng thái quá trước các quyết định của tòa, trong khi một vụ án không phải lúc nào cũng có thể diễn ra suôn sẻ như mong muốn.
Đương sự cũng “khỏe”
Không chỉ tòa đỡ “mệt”, các bên đương sự cũng được lợi trong chế định kiện tập thể.
Về phía người bị thiệt hại, cả hai luật sư Lê Thành Kính và luật sư Nguyễn Thị Diễm Phương (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều nhận định việc họ ủy quyền cho cá nhân hoặc tổ chức đứng ra thay mặt khởi kiện sẽ giúp quá trình chứng minh thiệt hại nhanh hơn, chính xác hơn, kỹ càng hơn. Thực tế, trình độ nhận thức và kiến thức pháp luật của người dân không đồng đều. Khi họ ủy quyền cho người hiểu biết hơn hoặc một cơ quan có chuyên môn thì công việc sẽ trôi chảy và có khả năng đạt kết quả tốt hơn nhiều. Chưa kể, nếu ủy quyền cho một tổ chức xã hội như Hội Nông dân chẳng hạn, với tư cách pháp nhân, hội sẽ dễ dàng yêu cầu các cơ quan khác cung cấp tài liệu, chứng cứ hơn là người dân trực tiếp đi xin.
Theo kiểm sát viên cao cấp Bùi Quang Thọ (Viện Phúc thẩm 3), người dân còn tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc vì không phải trực tiếp lui tới tòa nhiều lần. Nó cũng khắc phục được “quán tính rề rà” của đương sự mỗi khi tham gia các vụ án tại tòa vì họ chỉ việc ngồi nhà chờ kết quả từ người, từ nơi mình đã tin tưởng ủy quyền...
Không chỉ phía nguyên đơn được lợi, một thẩm phán TAND Tối cao còn cho rằng cả phía bị đơn cũng “khỏe” hơn nhiều. Chẳng hạn ở vụ Vedan, thay vì phải hàng chục ngàn lần nhận tống đạt, hàng chục ngàn lần bị triệu tập, hàng chục ngàn lần tham gia hòa giải, phía bị đơn sẽ chỉ phải cử đại diện tham gia một vụ kiện chung với các thủ tục thông thường. Như vậy, chưa cần biết kết quả xét xử thắng thua ra sao, trước mắt bị đơn đã tiết kiệm được rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc so với việc phải lần lượt theo hầu kiện từng vụ riêng lẻ một.
Trả lại quyền cho VKS? Trước kia, VKS có quyền đại diện cho lợi ích công để yêu cầu tòa xác minh, thu thập chứng cứ và xét xử, tuyên buộc Vedan khắc phục hậu quả gây ô nhiễm. Hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự đã cắt mất quyền này của VKS để trao cho các tổ chức xã hội khác như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ… Có một nghịch lý là từ khi được trao quyền thì chưa có một vụ nào các tổ chức xã hội này đứng lên bảo vệ được lợi ích công cả. Như vậy chúng ta mặc nhiên thừa nhận một thực tế là có cơ chế nhưng không ai thực hiện hoặc không thực hiện được. Từ đó Bộ luật Tố tụng dân sự trở nên khiếm khuyết vì chưa theo kịp, chưa đón đầu được thực tế cuộc sống. Trong nhiều hội thảo gần đây, chúng tôi đã kiến nghị là nên trả lại quyền kiểm sát chung cho VKSND như trước kia. Nếu được như vậy thì những vụ như Vedan sẽ dễ giải quyết hơn rất nhiều. Ông BÙI QUANG THỌ, kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao tại TP.HCM |
1,5 triệu nhân viên kiện Wal-Mart Đầu năm 2010, Wal-Mart, công ty bán lẻ hàng đầu của Mỹ, đã bị 1,5 triệu nhân viên và cựu nhân viên kiện tập thể đòi bồi thường hàng tỉ đôla. Lý do là Wal-Mart trả lương cho nhân viên nữ thấp hơn so với nhân viên nam làm cùng công việc; các nữ nhân viên cũng được thăng chức ít hơn và phải chờ thăng chức lâu hơn so với các nam đồng nghiệp. Trong khi đó, Wal-Mart kêu gọi nhân viên nào thấy mình là nạn nhân của tình trạng phân biệt đối xử cần khởi kiện các cửa hàng cụ thể. Với tỉ lệ sáu phiếu thuận và năm phiếu chống, Tòa Kháng án liên bang địa hạt 9 đã quyết định vụ kiện tập thể lớn nhất Mỹ từ trước tới nay này sẽ được đem ra xét xử. Toyota bị kiện tập thể vì lỗi chân ga Đầu năm 2010, hãng xe Toyota phải đối mặt với một đơn kiện tập thể của 156 người ở British Columbia (Canada) liên quan đến lỗi chân ga. Đây là một trong hơn 30 đơn kiện tập thể mà hãng này đang phải đối mặt trên khắp thế giới. Theo những người khởi kiện, lỗi dính chân ga đã gây nên nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng nên Toyota phải hoàn trả tiền mua xe hoặc thanh toán khoản lỗ do việc bán lại xe. Bà Shirley MacDonald, một người tham gia kiện, kể lại chiếc Toyota Echo đời 2004 của bà bất ngờ phóng vọt lên, bà cố đạp chân phanh nhưng chiếc xe vẫn lao đi rồi đâm sầm vào một thân cây... Honda bị kiện tập thể vì bộ phanh Có khoảng 350 đơn khiếu nại hãng xe Honda được lưu trữ trên trang web của Cơ quan An toàn giao thông đường bộ Mỹ. Các khách hàng này đã khởi kiện Honda, cho rằng bộ má phanh sau trên xe Accord 2008-2009, Acura TSX 2009 và một số xe đời 2010 có tuổi thọ quá ngắn, chỉ chạy được khoảng 24.000-32.000 km. Dù thế, hãng Honda vẫn từ chối đưa vấn đề này vào trong chế độ bảo hành mới. Đầu năm 2010, vụ kiện tập thể này đã tạm thời ổn thỏa sau khi hãng Honda đồng ý dàn xếp với khách hàng. |
THANH TÙNG - HỒNG TÚ