Ứng cứu để vàng quay về giá hợp lý

Giải pháp bình ổn giá vàng bằng cách Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo năm ngân hàng kết hợp cùng SJC tung vàng ra dồn dập, ào ạt với một mức giá hợp lý đã có kết quả đáng mừng. Chỉ trong một ngày giá vàng trong nước chỉ còn cao hơn thế giới trên 1 triệu đồng/lượng.

Rút ngắn khoảng cách

Không thể nào để giá vàng trong nước cao hơn thế giới 3-4 triệu đồng được. Để rồi cứ mỗi lần giá chênh lệch như vậy NHNN lại cho nhập khẩu. Mà giá trong nước và thế giới vẫn chênh lệch quá lớn nhưng người dân vẫn phải mua là điều rất phi lý.

Bên cạnh đó, người dân không chỉ thỏa mãn được nhu cầu mua bán vàng mà còn được mua vàng với giá gần bằng so với giá thế giới. Giải pháp này đồng thời cũng giúp tỉ giá ổn định hơn, đỡ tốn ngoại tệ cho việc nhập vàng. Ngoài ra, “bài thuốc” này đặc biệt ngăn chặn tình trạng đầu cơ vàng, bởi ở đâu có chênh lệch là ở đó có đầu cơ.

Ở góc độ tỉ giá, trước đây NHNN đã phải cấp quota cho một số ngân hàng để nhập khẩu vàng. Ngân hàng phải tốn USD để nhập khẩu cũng không tránh khỏi những tác động đến tỉ giá. Bên cạnh đó khoảng cách chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới quá cao dễ xảy ra tình trạng gom USD mua vàng lậu qua biên giới. Đến nay giá cả trong nước ngang bằng rồi, sẽ không còn tình trạng nhập khẩu vàng bằng con đường tiểu ngạch và các ngân hàng cũng không tốn USD nữa. Như vậy giải pháp này của NHNN rất kịp thời, hiệu quả không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà cũng đảm bảo được quyền lợi của người dân.

ý kiến rằng giải pháp này đột ngột, tuy nhiên đã là giải pháp thì phải nhanh chóng và kịp thời. Tỉ giá vừa qua tăng do động tác gom USD nhập khẩu vàng thì vài ngày tới cũng sẽ không biến động nữa. Phải hy sinh vì lợi ích chung của quốc gia chứ không thể là lợi ích của một nhóm người.

Ứng cứu để vàng quay về giá hợp lý ảnh 1

Người dân và doanh nghiệp mua vàng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC. (Ảnh chụp ngày 7-10) Ảnh: HTD

Nên thành lập quỹ vàng

Trong khi giá vàng thế giới tăng vài chục USD thì giá vàng trong nước tăng rất chậm. Lúc 15 giờ 40 ngày 7-10, giá vàng SJC mua vào giá 43,3 triệu đồng/lượng, bán ra giá 43,7 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng so với ngày hôm trước. Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rút ngắn còn trên 1 triệu đồng/lượng.

Nhưng cái gốc của vấn đề mà chúng ta vẫn phải hướng tới là làm thế nào để khai thác nguồn vàng trong dân. Bởi vì hiện nay năm tấn vàng mới được bán ra chỉ chuyển từ các ngân hàng thương mại (NHTM) sang người dân. Bên cạnh đó với khối lượng mua vàng trong dân lớn như hiện nay liệu rằng chúng ta có thể bán được trong bao lâu. Số lượng bán ra ở các NHTM này cũng là từ vàng huy động trong dân. Bán ra thì phải mua về để cân đối. Nếu các NHTM này được NHNN cho phép mở tài khoản vàng ở nước ngoài thì vẫn phải trả bằng ngoại tệ.

Chính vì thế về lâu dài chúng ta phải nghiên cứu tổng thể hơn theo hướng NHNN đã trình lên Chính phủ trong tháng 9 về việc khai thác vàng trong dân. Nghĩa là NHNN sẽ giữ vàng hộ dân để đảm bảo an toàn và cũng để đảm bảo người dân được mua vàng với giá ngang bằng với thế giới.

Bên cạnh đó nên nghiên cứu phân bổ lại hệ thống phân phối vàng. Chẳng hạn, chỉ có các tổ chức tín dụng được mua bán vàng cao tuổi. Riêng đối với các công ty, tiệm vàng thì chỉ được kinh doanh vàng nữ trang và vàng thấp tuổi.

Tuy nhiên hiện nay cũng không tránh khỏi tình trạng đầu cơ. Khi một số người thấy giá trong nước đang được bình ổn thì mua vào. Họ chờ giá thế giới tăng lên rồi bán.

Từ đây NHNN cần thành lập một quỹ dự trữ vàng để chủ động ứng cứu khi đưa ra các giải pháp mang tính tình huống ngắn hạn. Quỹ này sẽ được các NHTM huy động vàng trong dân gửi vào. Nghĩa là người dân được gửi vàng an toàn mà lại có lãi. Các NHTM giữ vàng được hưởng phí.

Ngoài ra nên chăng chỉ NHNN có tài khoản vàng ở nước ngoài. Chỉ có NHNN mới có quyền nhập khẩu vàng. Khi quay về một mối cũng là cách để kiểm soát dễ dàng hơn.

TS DƯƠNG THU HƯƠNG Nguyên Phó Thống đốc NHNN, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng

Kiểm soát chặt chẽ cho vay cầm cố, thế chấp vàng

Ngày 7-10, NHNN vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo và kiểm soát chặt chẽ việc cho vay thế chấp, cầm cố bằng vàng phát sinh từ ngày 1-1 đến 7-10 và thời hạn báo cáo trước ngày 12-10.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng vốn vay của khách hàng vay vốn thế chấp, cầm cố bằng vàng và chịu trách nhiệm trước thống đốc nếu cho vay vốn để thực hiện các hoạt động đầu cơ vàng, gây rối loạn thị trường vàng, ngoại hối.

TRÀ PHƯƠNG

Một mũi tên trúng nhiều mục đích

Một trong những mục đích của giải pháp này là đảm bảo ổn định thị trường vàng tiến tới việc NHNN sẽ giữ hộ vàng cho người dân. Sau đó, NHNN có thể phát hành tín phiếu vàng hoán đổi thành ngoại tệ. Như vậy dòng tiền sẽ được luân chuyển trong hệ thống. Vừa qua NHNN buộc phải cấp quota cho một số ngân hàng nhưng những ngân hàng này nhập vàng chế biến rồi bán ra, rất mất công sức. Vì thế việc NHNN cho phép các ngân hàng tung vàng ra bán là một mũi tên trúng nhiều mục đích.

TS TRƯƠNG VĂN PHƯỚC, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Tổng Giám đốc Ngân hàng Eximbank

Tốc độ bán chậm lại

Khi năm ngân hàng tung vàng ra thì hệ thống 145 điểm bán lẻ của PNJ làm nhiệm vụ phân phối hàng cho thị trường. PNJ lấy vàng của các ngân hàng đến bán cho khác hàng. So với ngày 6-10 thì ngày 7-10 PNJ bán chậm hơn, chỉ chiếm khoảng 40% của ngày hôm trước. Cụ thể, PNJ bán ra 1.400 lượng nhưng mua vào được 800 lượng.

NGUYỄN THỊ CÚC, Phó Tổng Giám đốc PNJ

Hạn chế bán cho doanh nghiệp để tránh đầu cơ

Tình hình mua bán vàng của SJC ngày 7-10 diễn ra trầm lắng chỉ chiếm khoảng 60% so với hôm trước. Nếu ngày 6-10 bán ra 20.000 lượng thì hôm qua bán 12.000 lượng. Đối tượng mua có đủ thành phần, doanh nghiệp, người dân… Tuy nhiên, với doanh nghiệp SJC chỉ bán tối đa vài trăm lượng chứ không bán nhiều hơn để tránh tình trạng đầu cơ. Còn người dân mua mấy ngàn lượng thì SJC vẫn bán. SJC sẽ cùng năm ngân hàng tung vàng ra bán đưa giá vàng cao hơn thế giới sắp tới xuống dưới 1 triệu đồng, rồi tiến tới 500.000 đồng/lượng so với thế giới.

Ông NGUYỄN CÔNG TƯỜNG, Phó Giám đốc kinh doanh SJC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm