Cụ thể, theo Sở GTVT các sản phẩm quảng cáo là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, gồm cả liên doanh nhưng ưu tiên hàng Việt Nam chất lượng cao. Nội dung quảng cáo chỉ dùng tiếng Việt và hạn chế sử dụng màu đỏ bao trùm cùng các màu trùng lắp biển báo giao thông.
Tham khảo giá quảng cáo trên xe buýt mà nhiều nơi đã thực hiện (như Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương...), Sở GTVT dự kiến mức giá thuê quảng cáo tùy thuộc vào sức chở hành khách của xe.
Hiện trên địa bàn TP.HCM có ba loại hình (12 doanh nghiệp) xe buýt có trợ giá với 107 tuyến xe buýt phổ thông gồm trên 2.500 xe. Thống kê trong các năm từ 2008 đến 2013, ngân sách thành phố trợ giá lần lượt là khoảng 600, 705, 730, 1.260, 1.290 và 1.160 tỉ đồng. Theo Sở GTVT, việc quảng cáo trên xe buýt là cần thiết nhằm làm giảm gánh nặng cho TP; đồng thời còn làm thay đổi diện mạo của xe buýt.
Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết trước mắt chỉ thí điểm quảng cáo bên ngoài thân trên ở 10 tuyến xe buýt (gần 160 xe, chủ yếu của Công ty Xe khách Sài Gòn).
M.PHONG